Với sự phát triển của nền kinh tế hiện nay, các tranh chấp trong hoạt động thương mại diễn ra ngày một nhiều. Cùng với đó việc các chủ thể lựa chọn giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài cũng ngày một nhiều hơn. Theo đó, Trung tâm trọng tài đóng vai trò rất quan trọng đối với việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài. Vậy pháp luật quy định thế nào về thủ tục công bố thành lập Trung tâm trọng tài? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài là gì?
Tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động thương mại.
Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết thông qua hoạt động của Trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên phải tôn trọng và thực hiện.
Trọng tài viên được hiểu là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật trọng tài thương mại 2010.
Trung tâm trọng tài là trung tâm có chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quy chế và hỗ trợ Trọng tài viên về các mặt hành chính, văn phòng và các trợ giúp khác trong quá trình tố tụng trọng tài.
Các Trung tâm trọng tài không nằm trong hệ thống cơ quản quản lí nhà nước, cũng không thuộc hệ thống cơ quan xét xử nhà nước.
Quy định của pháp luật về công bố thành lập Trung tâm trọng tài
Sau khi đã hoàn thiện hồ sơ và được cấp Giấy phép thành lập trung tâm trọng tài và giấy đăng ký hoạt động thì Trung tâm trọng tài còn phải thực hiện hoạt động công bố thành lập trung tâm theo quy định tại Điều 26 Luật Trọng tài thương mại 2010. Theo đó, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, Trung tâm trọng tài phải đăng báo hằng ngày của trung ương hoặc báo địa phương nơi đăng ký hoạt động trong ba số liên tiếp về những nội dung chủ yếu sau đây:
- Thứ nhất, Tên, địa chỉ trụ sở của Trung tâm trọng tài. Theo đó, tên của trung tâm trọng tài phải đáp ứng điều kiện sau:
+ Tên của Trung tâm trọng tài được viết bằng tiếng Việt do các sáng lập viên lựa chọn nhưng phải bao gồm cụm từ “Trung tâm trọng tài” và không trùng, không gây nhầm lẫn với tên của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài đã được cấp Giấy phép thành lập, không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Trong trường hợp Trung tâm trọng tài có tên bằng tiếng nước ngoài thì tên gọi đó phải là tên được dịch từ tên bằng tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, không trùng, không gây nhầm lẫn với tên của tổ chức trọng tài khác đang hoạt động tại Việt Nam.
- Thứ hai, lĩnh vực hoạt động của Trung tâm trọng tài;
- Thứ ba, Số Giấy đăng ký hoạt động, cơ quan cấp, ngày, tháng, năm cấp;
- Thứ tư, thời điểm bắt đầu hoạt động của Trung tâm trọng tài.
Bên cạnh đó, Trung tâm trọng tài phải niêm yết tại trụ sở những nội dung quy định tại khoản 1 Điều này và danh sách Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài.
Việc công bố thành lập trung tâm trọng tài rất quan trọng. Bởi đây là những thông tin cơ bản giúp các chủ thể khác có thể nắm bắt, tìm hiểu về trung tâm trọng tài đặc biệt có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn Trung tâm trọng tài phù hợp để giải quyết tranh chấp.