Học Bổng Erasmus Mundus 2022 University Ranking World Map Pdf
ERASMUS MUNDUS 2022: GIẤC MƠ CHÂU ÂU TRONG TẦM TAY MỤC LỤC Về Erasmus Mundus Association Vietnam LỜI MỞ ĐẦU Miễn trừ trách nhiệm Nhóm tác giả Danh mục từ viết tắt I. Những thay đổi trong học bổng Erasmus Mundus từ năm 2022 II. Nhóm ngành Khoa học Tự nhiên A. Xây dựng hồ sơ Hồ sơ ứng viên tham khảo Chân dung ứng viên phù hợp Kinh nghiệm chuẩn bị B. Quá trình ứng tuyển Thư động lực Thư giới thiệu Vòng phỏng vấn Những lưu ý khác III. Nhóm ngành Kinh tế - Khoa học Xã hội & Nhân văn A. Xây dựng hồ sơ Hồ sơ ứng viên tham khảo Chân dung ứng viên phù hợp Kinh nghiệm chuẩn bị B. Quá trình ứng tuyển Thư động lực Thư giới thiệu Vòng phỏng vấn Những lưu ý khác IV. Nhóm ngành Kỹ thuật Công nghệ A. Xây dựng hồ sơ Hồ sơ ứng viên tham khảo Chân dung ứng viên phù hợp Kinh nghiệm chuẩn bị B. Quá trình ứng tuyển Thư động lực Thư giới thiệu Vòng phỏng vấn Những lưu ý khác V. Con đường sự nghiệp sau EM Tại nước ngoài a, Môi trường Doanh Nghiệp (Industry) b, Nghiên cứu học thuật (Academia) Về Việt Nam a, Môi trường Doanh Nghiệp (Industry) b, Nghiên cứu học thuật (Academia) VI. Phân tích thư động lực mẫu Phân tích thư động lực ngành Khoa Học Xã Hội - Nhân Văn Primary Assessment Criteria Secondary Assessment Criteria Phân tích thư động lực ngành Kỹ Thuật - Công Nghệ VII. Tham khảo bộ câu hỏi và cách trả lời phỏng vấn A. Thực chiến các câu hỏi phỏng vấn và cách trả lời (nhóm Khoa học Tự Nhiên) B. Thực chiến các câu hỏi phỏng vấn và cách trả lời (nhóm Khoa học Xã Hội - Nhân Văn) C. Thực chiến các câu hỏi phỏng vấn và cách trả lời (nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ) Về Erasmus Mundus Association Vietnam Erasmus Mundus Association (EMA) là tổ chức phi lợi nhuận dành cho sinh viên và cựu sinh của các chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ Erasmus Mundus (EM), được công nhận bởi Liên minh Châu Âu (EU). Có trụ sở tại Brussels (Bỉ) và với hơn 12,000 thành viên từ hơn 170 quốc gia, EMA có sứ mệnh thúc đẩy học thuật, phát triển sự nghiệp và giao lưu đa văn hoá của sinh viên và cựu sinh EM toàn cầu. Trong những năm qua, EMA Vietnam phối hợp với Phái đoàn Liên minh Châu Âu và các nước thành viên tại Việt Nam, cũng như cơ quan nghiên cứu ASEAN để quảng bá giáo dục châu Âu và thúc đẩy giao lưu học thuật. Các hoạt động của EMA Vietnam tạo thành một hệ sinh thái hỗ trợ ứng viên người Việt Nam cho học bổng EM. Từ 2004 tới nay, đã có hơn 500 sinh viên Việt Nam tài năng nhận học bổng EM cạnh tranh quốc tế từ EU để theo học các chương trình Thạc sĩ tại ít nhất 2 quốc gia. Năm 2018, Nhóm Dự án đã ra mắt cuốn sổ tay EM Guidebook để cung cấp thông tin và chia sẻ kinh nghiệm ứng tuyển và học tập từ đại diện các bạn khoá trước nhận học bổng. Ngoài ra, chuỗi sự kiện EM Sharing thường niên ở các thành phố lớn của Việt Nam từ năm 2018 nhằm kết nối trực tiếp giữa các bạn ứng viên với cựu sinh và học giả. EM Mentorship từ năm 2019 đã hỗ trợ cố vấn cá nhân giữa cựu sinh và học giả với ứng viên. Ngoài ra, tất cả ứng viên có thể được giải đáp thắc mắc của mình khi chia sẻ ẩn danh ở sáng kiến EM Confession, hay tổng hợp chia sẻ trong chuỗi EM Webinar. Trên tay bạn là cuốn Erasmus Mundus Guidebook 2022: Giấc mơ Châu Âu trong tầm tay tiếp nối những chia sẻ từ EM Guidebook lần đầu ra mắt vào năm 2018. EMA Vietnam xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ từ bạn, cũng như Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã đồng hành hỗ trợ nhóm Dự án đã thực hiện thành công mặc dù nguồn lực còn phần nhiều hạn chế. Nếu bạn có góp ý về Erasmus Mundus Guidebook 2022 hoặc các hoạt động khác của EMA Vietnam, đừng ngần ngại liên hệ qua một trong những cách dưới đây: ● Email: [email protected] ● Facebook Page: https://www.facebook.com/EMAVietnam Xin chúc bạn gặp nhiều điều thuận lợi trong hành trình ứng tuyển học bổng Erasmus Mundus. Trân trọng, Lương Mạnh Hà Đại diện của Việt Nam tại EMA. LỜI MỞ ĐẦU Erasmus Mundus Joint Master Degree (EMJMD) là chương trình học bổng toàn phần nổi tiếng và danh giá thế giới do Liên minh Châu Âu tài trợ cho sinh viên bậc Thạc sĩ từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm học phí, sinh hoạt phí, chi phí đi lại và bảo hiểm. Các chương trình học kéo dài từ một đến hai năm, trong đó các sinh viên học tập tại ít nhất hai quốc gia châu Âu khác nhau và lấy bằng liên kết, bằng kép hoặc nhiều bằng từ đa dạng các lĩnh vực. Tiếp nối truyền thống “Pay-it-forward” (Đáp đền tiếp nối) của Mạng lưới Học giả Erasmus Mundus (Erasmus Mundus Association - EMA) Việt Nam, nhóm dự án đã kết nối các học giả đã và đang theo học các chương trình Erasmus Mundus ở nhiều lĩnh vực khác nhau để cho ra mắt cuốn Erasmus Mundus Guidebook 2022. Cuốn sách dành cho các bạn ứng viên đang theo đuổi học bổng Erasmus Mundus với những chia sẻ và góc nhìn của EM Alumni từ nhiều lĩnh vực, chia sẻ về quá trình từ việc Xây dựng hồ sơ đến Quá trình ứng tuyển và Định hướng nghề nghiệp tương lai. Với sự đa dạng của các chương trình Erasmus Mundus, sách sẽ được chia thành 3 nhóm ngành để bạn đọc tiện theo dõi: Nhóm ngành Khoa học Tự nhiên; Nhóm ngành Khoa học Xã hội - Nhân văn; Nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ. Ở mỗi nhóm ngành, các học giả Erasmus Mundus sẽ mang đến những góc nhìn “đặc thù ngành” để phù hợp nhất với những gì bạn đang tìm kiếm. Cuốn sách này thể hiện quan điểm cá nhân của các tác giả và các nhân vật khách mời, có sử dụng một số thuật ngữ thường gặp trong quá trình “săn học bổng” của bạn. Các hình ảnh được sử dụng do chính các tác giả cung cấp. EM Guidebook 2022 là phần tiếp nối của EM Guidebook 2018 mà bạn có thể tìm đọc tại: http://bit.ly/EM_Guidebook_VN. Hành trình theo đuổi học bổng toàn phần danh giá thế giới như Erasmus Mundus là một hành trình đầy khó khăn và thử thách. Trên hành trình đó, chúng tôi - những học giả Erasmus Mundus hi vọng rằng cuốn sách này sẽ trở thành một nguồn động lực để bạn bước tiếp và vững tin trên chặng đường dài sắp tới. Nhóm dự án mong rằng sáng kiến nhỏ bé này sẽ đóng góp phần nào trong hành trình đưa bạn đến với Châu Âu và trở thành một phần của mạng lưới học giả Erasmus Mundus. Nhóm dự án EM Guidebook 2022 Miễn trừ trách nhiệm Nội dung của các bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nhóm Dự án hoặc Phái đoàn Liên minh Châu Âu hay các nước thành viên. Nhóm Dự án là một phần của Mạng lưới Học giả Erasmus Mundus Việt Nam - đơn vị độc lập so với Liên minh Châu Âu hoặc các tổ chức, cơ quan, phái đoàn của Liên minh Châu Âu hoặc các nước thành viên. Chúng tôi luôn cố gắng đảm bảo các thông tin trong cuốn sách này được lấy từ những nguồn đáng tin cậy. Tuy nhiên, nhóm không chịu trách nhiệm đối với mọi sai sót hay bỏ sót hoặc hệ quả nào từ việc sử dụng những thông tin này. Các thông tin và các tài liệu chứa trong cuốn sách này, bao gồm văn bản, đồ họa, các đường dẫn hoặc các mục khác đều được cung cấp dưới dạng "nguyên trạng” và "sẵn có”. Chúng tôi không đảm bảo về tính đầy đủ, chính xác và tính cập nhật hoặc hệ quả từ việc sử dụng thông tin này, và không đảm bảo dưới bất kỳ hình thức nào, dù được nêu rõ hay ngụ ý, bao gồm nhưng không giới hạn các bảo đảm về việc áp dụng, tính thương mại và tính phù hợp cho một mục đích cụ thể. Tài liệu chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Nhóm Dự án cùng các thành viên không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ đơn vị hoặc cá nhân nào về quyết định hay hành động được thực hiện dựa trên những thông tin trong cuốn sách này. Một số đường dẫn trong cuốn sách này liên kết với những trang web khác do các bên thứ ba quản lý, không thuộc quyền kiểm soát của nhóm dự án. Chúng tôi không đưa ra phát biểu nào về tính chính xác hoặc về bất kỳ khía cạnh nào khác của những thông tin đăng tải trên các trang web đó. Nội dung cuốn sách là tài sản của Nhóm Dự án. Mọi tác quyền đều được bảo hộ. Một phần hoặc toàn bộ nội dung của cuốn sách không thể được sao chép, mô phỏng, chuyển giao, đăng tải, xuất bản hoặc phân phối dưới bất kỳ hình thức nào mà không được Nhóm Dự án đồng ý trước bằng văn bản. Nhóm tác giả Danh mục từ viết tắt Từ viết tắt Giải nghĩa CV Curriculum Vitae (Hồ sơ ứng tuyển, Sơ yếu lý lịch) DAAD Deutscher Akademischer Austauschdienst Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (nơi cung cấp Học bổng chính phủ Đức) EACEA Education, Audiovisual, and Cultural Executive Agency EM Erasmus Mundus EMA Erasmus Mundus Association EMDM Erasmus Mundus Design Measures EMJM Erasmus Mundus Joint Masters EMMC STEPS The Erasmus Mundus Master Course in Sustainable Transportation and Electrical Power Systems IELTS International English Language Testing System GMAT Graduate Management Admission Test GPA Grade Point Average GRE Graduate Record Examinations KHTN Khoa học Tự nhiên KHXH&NV Khoa học Xã hội và Nhân văn KTCN Kỹ thuật Công nghệ MOOCs Massive Open Online Course(s) NCKH Nghiên cứu khoa học PhD. Doctor of Philosophy TOEFL Test of English as a Foreign Language UOP Universal Oil Products Tên viết tắt của các chương trình học bổng Erasmus được nhắc đến: Từ viết tắt Giải nghĩa AFEPA Agriculture, Food, and Environmental Policy Analysis CLMC Children’s Literature, Media, and Culture ECT+ Environmental and Contamination Toxicology EGEI Economics of Globalisation and European Integration EMMC STEPS The Erasmus Mundus Master Course in Sustainable Transportation and Electrical Power Systems EMMIR European Master in Migration & Intercultural Relations EMM-Nano Nanoscience & Nanotechnology EPOG+ Economic Policies for the Global Transition EUMAINE Erasmus Mundus Master of Science in Nematology Euroculture Euroculture - Society, Politics and Culture in a Global Context FIPDes Food Innovation and Product Design GLOCAL Global Markets, Local Creativities GLODEP Global Development Policy IMETE The International Master of Science in Environmental Technology and Engineering IMIM International Master in Industrial Management MESC+ Materials for Energy Storage and Conversion NANOMED The Nanomedicine for Drug Delivery PSRS Photonics for Security Reliability and Safety QEM The Models and Methods of Quantitative Economics SERP+ Surface, Electro-, Radiation and PhotoChemistry SSIS Smart Systems Integrated Solutions SuCat Sustainable Catalysis TourDC Tourism Development and Culture WE-TEAM World Textile Engineering Advanced Master I. Những thay đổi trong học bổng Erasmus Mundus từ năm 2022 Trong hơn 30 năm, Liên minh Châu Âu đã tài trợ cho chương trình Erasmus để tạo điều kiện cho hơn bốn triệu sinh viên người Châu Âu học tập, đào tạo và tích lũy kinh nghiệm ở nước ngoài. Chương trình Erasmus+ sau này đã nhận thức được tầm quan trọng của việc mở ra cơ hội trao đổi sinh viên, học giả và các phương pháp thực hành giữa các tổ chức ở các Quốc gia Chương trình1 và Quốc gia Đối tác2 trên toàn thế giới. Từ năm 2021, Ủy ban Châu Âu đã thay đổi cách thức triển khai học bổng Erasmus Mundus để tăng thêm tính hấp dẫn của chương trình đối với sinh viên và các cơ sở giáo dục đại học trên toàn thế giới. Trong khuôn khổ chương trình mới giai đoạn 2021 - 2027, các hoạt động quốc tế sẽ bao gồm Giáo dục Đại học (HE – Higher Education), Giáo dục và Đào tạo nghề (VET – Vocational Education and Training), Thanh niên và Thể thao (Youth and Sport). Trong giai đoạn này, Erasmus Mundus Action sẽ bao gồm Erasmus Mundus Joint Masters (EMJM) và Erasmus Mundus Design Measures (EMDM). Đây là các chương trình tài trợ tự chủ với các đề xuất kêu gọi độc lập. Các chương trình EMJM hỗ trợ việc thực hiện các chương trình tổng thể chung hiện có trong khi các EMDM3 hỗ trợ việc thiết kế các chương trình tổng thể chung mới. Erasmus Mundus Joint Masters (EMJM) là một chương trình nghiên cứu xuyên quốc gia, 1 Erasmus Mundus Joint Masters (EMJM) Erasmus+ European Education and Culture Executive Agency. (n.d.). [online] Available at: https://erasmus-plus.ec.europa.eu/sites/default/files/2022-01/emjm-presentation_call2022.pdf 2 EMA, 2022. Erasmus Mundus programmes are changing this year. what can you expect? EMA. Available at: https://www.em-a.eu/post/erasmus-mundus-changing tích hợp ở cấp độ thạc sĩ, được cung cấp bởi sự hợp tác quốc tế của các Tổ chức Giáo dục Đại học (HEIs) từ các quốc gia khác nhau trên toàn thế giới và các đối tác có chuyên môn cụ thể, quan tâm đến các lĩnh vực nghiên cứu hoặc lĩnh vực chuyên môn liên quan. Trong khuôn khổ cuốn sách này, nhóm tác giả sẽ chỉ đề cập đến chương trình học bổng Erasmus Mundus Joint Masters (EMJM), thường được sinh viên Việt Nam và sinh viên thế giới gọi tắt là Erasmus Mundus hay EM. A. Tên học bổng Từ năm 2021, học bổng Erasmus Mundus Joint Masters Degree (EMJMD) sẽ được đổi tên thành Erasmus Mundus Joint Masters (EMJM). Sự thay đổi tên này sẽ được áp dụng cho các chương trình mới được tài trợ hoặc tái tài trợ theo Erasmus Mundus Action trong giai đoạn 2021 – 2027. Dưới đây là tóm tắt về một số sự thay đổi chính đối với sinh viên nhập học bắt đầu từ kỳ mùa thu năm 2022 trong giai đoạn mới của các chương trình thạc sĩ này. B. Thay đổi về tài trợ và học bổng Kể từ kỳ mùa thu năm 2022, các chương trình EMJM sẽ được tài trợ với ba loại chi phí chính: chi phí tổ chức, học bổng và chi phí cho các nhu cầu đặc biệt. Nhìn chung, Uỷ ban châu Âu đang đơn giản hóa việc tài trợ cho các chương trình cũng như sinh viên. Các khoản tài trợ của học bổng EMJM mới giúp giảm bớt công việc hành chính, đặc biệt là đối với trường đại học điều phối. Theo đó, số tiền học bổng mỗi tháng sẽ tăng lên đối với cả sinh viên châu Âu và sinh viên không đến từ châu Âu. Tất cả những người được cấp học bổng sẽ được nhận 1,400 EUR mỗi tháng, bất kể họ đến từ quốc gia nào. Mặc dù ngân sách cho phần trợ cấp đi lại và chi phí ổn định ban đầu trước đây không còn tồn tại nữa, nhưng đã được tính đến trong số tiền học bổng gia tăng này. 3 Em-a.eu. 2022. What is the limit of Erasmus Mundus programmes you can apply for annually? Hint: it's not 3.. [online] Available at: Bảng 1: So sánh về mức tài trợ giữa 2 chương trình EMJMD và EMJM 4 Một điểm mới trong chương trình năm nay có thể khá thú vị đối với những người được nhận học bổng trong tương lai. Nếu như trước năm 2022, sinh viên sẽ không được tài trợ học bổng khi trở về quốc gia cư trú của mình trong thời gian học tập thì nay học bổng sẽ được tài trợ trong thời gian học tập tại quốc gia cư trú của sinh viên, miễn là sinh viên đã trải qua chương trình EMJM ít nhất 2 học kỳ ở 2 quốc gia không phải là quốc gia cư trú của họ. EACEA5 nhấn mạnh với EMA6 rằng học bổng hiện nay nhìn chung hào phóng hơn nhiều cho những sinh viên đến từ các Quốc gia Chương trình và Quốc gia Đối tác. Sự gia tăng số tiền học bổng là vô cùng hợp lý, đáp ứng được sự gia tăng chi phí sinh hoạt ở Châu Âu từ năm 2022.7 C. Số lượng chương trình được phép đăng ký Có một thay đổi khác đã ảnh hưởng đến các ứng viên EMJM(D) gần đây về số lượng học bổng mà ứng viên có thể đăng ký. Quy tắc này đã được thay đổi vào năm 2019 và ảnh hưởng đến tất cả các chương trình: EMJMD và EMJM.8 Trước đây, theo chương trình cũ EMJMD, sinh viên chỉ có thể đăng ký học bổng EMJMD cho tối đa ba chương trình khác nhau mỗi năm học. Tuy nhiên, kể từ năm 2022, sinh viên có thể đăng ký tất cả các chương trình mà họ quan tâm, khi số lượng giới hạn đã được gỡ bỏ. Mặc dù quy tắc này đã bị hủy bỏ, chủ tịch Erasmus Mundus Association (EMA), Gabriella 4 EMA, 2022. Erasmus Mundus programmes are changing this year. what can you expect? EMA. Available at: https://www.em-a.eu/post/erasmus-mundus-changing 5 EMA, 2022. Erasmus Mundus programmes are changing this year. what can you expect? EMA. Available at: https://www.em-a.eu/post/erasmus-mundus-changing 6 40 sinh viên Việt Nam tham gia Chương trình Học bổng Thạc sĩ Erasmus Mundus. 2022. Available at: 7 https://www.euroculturemaster.eu/how-to-apply/assessment-criteria 8 EMDM: Erasmus Mundus Design Measures Mikiewicz đồng ý rằng ứng viên chỉ nên đăng ký vào các chương trình mà họ thực sự quan tâm đến việc theo học. Bà khuyên các sinh viên chỉ nên đăng ký nếu họ thực sự đam mê theo học chương trình. Ngoài ra, mặc dù không có giới hạn chính thức từ Ủy ban Châu Âu về số lượng đơn đăng ký mà một sinh viên có thể nộp, việc kiểm tra trang web của các chương trình mà ứng viên quan tâm là cần thiết để tìm hiểu chương trình có thể mang lại những gì cho sinh viên. Ví dụ, theo như tiến sĩ Lydia Potts, điều phối viên chương trình Thạc sĩ Châu Âu về Di cư và Quan hệ giữa các nền văn hóa (EMMIR), bà gợi ý tất cả các ứng viên không nên đăng ký nhiều hơn ba chương trình vì khi cơ sở dữ liệu của chương trình bị quá tải bởi các ứng viên sẽ dẫn đến việc EMJM bị chậm trễ trong quá trình hoàn thành danh sách sinh viên nhập học của họ. D. Tính bền vững và tác động của EMJM Tính bền vững và tác động của chương trình EMJM giờ đây có tầm quan trọng lớn hơn. Theo Dagmar Höpcke - cố vấn dự án làm việc tại EACEA, chương trình sẽ chú trọng và tập trung vào tất cả các sinh viên theo học (người có học bổng và người không có học bổng) để tuyển sinh nhiều hơn những sinh viên không có học bổng. Trước đây, các chương trình chỉ quan tâm tới sinh viên đạt được học bổng, những người không có học bổng không phải là mối quan tâm chính. Do chương trình chỉ phải cam kết ghi danh một số lượng sinh viên được nhận học bổng nhất định để được nhận tài trợ từ EU nên sẽ không có động cơ tuyển sinh những sinh viên không có học bổng. Những sinh viên không có học bổng không ảnh hưởng gì tới nguồn tài trợ từ EU. Chính vì vậy, chương trình không có động cơ để làm việc này. Điều này bây giờ đã hoàn toàn khác.9 Chi phí đơn vị tổ chức mà họ nhận được cho mỗi sinh viên để đóng góp vào chi phí hoạt động của các chương trình thạc sĩ cũng bao gồm những người không có học bổng (cho tổng số tối đa 100 sinh viên: người có học bổng và người không được học bổng). Do đó, số lượng người không được cấp học bổng trong chương trình đã trực tiếp ảnh hưởng đến số tiền tài trợ từ EU mà một chương trình có thể nhận được. Điều này tạo động lực cho tất cả các chương trình thu hút nhiều sinh viên tự túc hơn, đem lại tính bền vững cao hơn cho các chương trình trong tương lai. E. Tính toàn diện EMJM cũng có một nét mới mà các chương trình EMJMD trước đây không có: chi phí đặc biệt. Các chương trình EMJM có thể góp phần đáp ứng nhu cầu cá nhân của sinh viên khuyết tật (ví dụ như khiếm khuyết lâu dài về thể chất, tinh thần, trí tuệ hoặc giác quan). Khoản hỗ trợ tài chính này dành cho tất cả các sinh viên theo học (người có học bổng và người không được nhận học bổng) và có dạng “chi phí nhu cầu đặc biệt” dao động từ 3,000 EUR đến 60,000 EUR và có thể được sử dụng để hỗ trợ như điều chỉnh môi trường làm việc hay chi phí đi lại, etc. Theo như Madina Karsakpayeva - giám đốc dự án EMAbility, sự hòa nhập của học sinh 9 EACEA (Education, Audiovisual and Culture Executive Agency) Cơ quan điều hành Giáo dục, Nghe nhìn và Văn hoá. khuyết tật là rất quan trọng. Càng có nhiều chương trình Erasmus Mundus chào đón học sinh với nhiều dạng khuyết tật khác nhau, thị trường lao động sẽ càng trở nên tốt hơn và đa dạng hơn. Trên toàn cầu, những người trẻ khuyết tật đã trở thành các chuyên gia tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế ở các quốc gia tương ứng sau khi các chương trình của họ kết thúc. 10 Số liệu thống kê năm 2022 Trong đợt tuyển chọn đầu tiên của Chương trình Học bổng Thạc sĩ Erasmus Mundus (EMJM) giai đoạn 2021-2027, 40 sinh viên Việt Nam sẽ tham gia 26 chương trình giáo dục sau đại học tại 15 quốc gia châu Âu, chiếm 22% tổng số sinh viên châu Á (185 sinh viên mới) và 6,6% tổng số sinh viên trên toàn thế giới (601 sinh viên mới). Đặc biệt hơn, trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020, 197 sinh viên Việt Nam đã nhận được học bổng EMJMD toàn phần, chiếm số lượng cao thứ ba ở Đông Nam Á trong giai đoạn này. 11 Lời kết Nhìn chung, những thay đổi mà thế hệ chương trình Erasmus Mundus mới có vẻ tích cực và phù hợp hơn với nhu cầu của sinh viên tại thời điểm hiện tại. Bà Gabriella Mikiewicz - chủ tịch Erasmus Mundus Association mong muốn rằng chương trình Erasmus Mundus sẽ tiếp tục phát triển để sinh viên và cựu sinh viên Erasmus Mundus có thể gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa trong tương lai. 10 EMA (Erasmus Mundus Association): Mạng lưới sinh viên Erasmus Mundus 11 Quốc gia Chương trình: Programme country II. Ứng tuyển vào các chương trình nhóm ngành Khoa học Tự nhiên A. Xây dựng hồ sơ 1. Hồ sơ ứng viên tham khảo 1, Họ và tên: Vũ Thị Phương Anh Chương trình học: Sustainable Catalysis (SuCat) Quốc gia theo học: Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha Niên khoá: 2022-2024 Đại học - chuyên ngành: Đại học Khoa học Tự Nhiên - Đại học Quốc Gia Hà Nội - Hóa học (Lớp Tiên Tiến Hoá) GPA: 3.39/4.0 2, Họ và tên: Bùi Quỳnh Anh Chương trình học: The Nanomedicine for Drug Delivery (NANOMED) Quốc gia theo học: Pháp, Ý, Hy Lạp Niên khoá: 2022-2024 Đại học - chuyên ngành: Đại học Khoa học Tự Nhiên - Đại học Quốc Gia Hà Nội - Sinh học (Lớp Tài Năng Sinh) GPA: 3.4/4.0 3, Họ và tên: Lê Quý Hiển Chương trình học: Surface, Electro-, Radiation and Photo-Chemistry (SERP+) Quốc gia theo học: Pháp, Ba Lan, Ý Niên khoá: 2020-2022 Đại học - chuyên ngành: Đại học Khoa học Tự Nhiên - Đại học Quốc Gia Hà Nội - Hóa học (Lớp Tài Năng Hoá) GPA: 3.82/4.0 4, Họ và tên: Nguyễn Thị Khánh Huyền Chương trình học: Materials for Energy Storage and Conversion (MESC+) Quốc gia theo học: Ba Lan, Pháp, Tây Ban Nha Niên khoá: 2021-2023 Đại học - chuyên ngành: Đại học Khoa học Tự Nhiên - Đại học Quốc Gia Hà Nội - Hóa học (Lớp Tiên Tiến Hoá) GPA: 3.28/4.0 5, Họ và tên: Nguyễn Thế Phong Chương trình học: The International Master of Science in Environmental Technology and Engineering (IMETE) Quốc gia theo học: Cộng hoà CSéc, Hà Lan, Bỉ Niên khoá: 2022-2024 Đại học - chuyên ngành: Đại học Bách Khoa Hà Nội - Công nghệ môi trường GPA: 3.34/4.0 (top 5%) 2. Chân dung ứng viên phù hợp Khi chúng ta đi mua một chiếc máy tính, chúng ta sẽ cần biết vài thông tin cụ thể về chiếc máy tính mình muốn mua như là xuất xứ, giá cả, các tính năng…, từ đó chúng ta sẽ cân nhắc liệu nó có phù hợp với túi tiền và mục đích sử dụng của mình hay không trước khi quyết định mua nó. Việc hội đồng chọn ứng viên cho chương trình học cũng tương tự vậy. Mức độ phù hợp của ứng viên với chương trình học sẽ là yếu tố tiên quyết cho việc hội đồng chấp nhận trao học bổng cho một ứng viên. Vậy mức độ phù hợp đó sẽ được đo lường như thế nào? Theo anh Nguyễn Thế Phong (IMETE), ở bước đầu xét duyệt học bổng, hội đồng xem xét sự phù hợp của ứng viên dựa vào chuyên ngành học của ứng viên ở bậc Đại học. Các chương trình Erasmus thường đi sâu vào một chuyên ngành cụ thể để phục vụ cho việc nghiên cứu ở bậc học cao hơn hoặc làm việc chuyên về ngành hẹp đó, vì vậy, chương trình cần ứng viên có khả năng theo học chương trình và đóng góp điều gì đó cụ thể cho xã hội sau khi học xong. Để việc tuyển chọn được nhanh chóng và dễ dàng hơn, phần lớn chương trình về khoa học tự nhiên sẽ giới hạn những ngành học được phép ứng tuyển vào chương trình. Theo chị Vũ Thị Phương Anh (SuCat), chương trình SuCat sẽ yêu cầu ứng viên có bằng cử nhân ngành hoá hoặc những ngành liên quan đến hoá như kĩ thuật hoá học, hoá dược, hoá sinh, khoa học vật liệu… Những ứng viên tốt nghiệp cử nhân từ các chương trình không liên quan đến hoá sẽ bị loại từ vòng hồ sơ. Với những chương trình không giới hạn ngành học, chúng ta có thể hiểu là chương trình chấp nhận ứng viên đến từ bất kì ngành học nào, miễn là hồ sơ đó thuyết phục được hội đồng rằng họ có đủ kiến thức, trình độ để theo được chương trình học và họ có đủ khả năng đóng góp điều gì đó cụ thể cho xã hội để hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn. Theo anh Lê Quý Hiển (SERP+), sự phù hợp sẽ được đo lường thông qua thành tựu học tập. Erasmus là học bổng tài năng (merit-based), có nghĩa đây là học bổng dành cho những bạn có tài năng trong một lĩnh vực nào đó, vì vậy việc có nhiều thành tích cao trong quá trình học rất là quan trọng. Với các chương trình thuộc ngành khoa học tự nhiên, thành tựu học tập sẽ chiếm từ 30% đến 50% sức nặng của bộ hồ sơ. Thành tựu đó bao gồm: GPA tốt (hoặc có thứ hạng cao trong lớp tính theo GPA); những học bổng, khen thưởng mình đã đạt được; những hoạt động ngoại khóa hay dự án cộng đồng liên quan đến chương trình ứng tuyển mà mình đã tham gia. Một số chương trình sẽ quy định GPA tối thiểu để apply là 3.2/4.0 hoặc 8.0/10, tuy nhiên nhiều chương trình sẽ coi việc GPA trên 3.2 là yếu tố đương nhiên nên sẽ không đưa nó vào tiêu chí tuyển chọn ứng viên. Theo Thế Phong, kinh nghiệm nghiên cứu liên quan đến chuyên ngành của chương trình là yếu tố thứ ba để hội đồng suy xét về sự phù hợp. Thông thường khi nhắc tới các ngành khoa học tự nhiên, chúng ta sẽ nghĩ đến hình ảnh các nhà khoa học mặc áo blouse (áo dùng cho y tế hoặc dùng trong phòng thí nghiệm), miệt mài nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm để tạo ra điều gì đó cho nhân loại. Sự liên tưởng đó đã phần nào nói lên tầm quan trọng của việc nghiên cứu đối với các ngành khoa học. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi kinh nghiệm nghiên cứu và thành tựu nghiên cứu đạt được qua những bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín lại chiếm một vị trí quan trọng trong tiêu chí tuyển sinh. Mỗi chương trình có yêu cầu riêng về khả năng nghiên cứu của ứng viên, tuy vậy, điểm chung của các ứng viên đạt học bổng là đều có kinh nghiệm nghiên cứu liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới các ngành hẹp của chương trình. Kinh nghiệm liên quan trực tiếp là trường hợp dự án nghiên cứu bậc đại học (hoặc khi đi làm) của ứng viên trùng khớp với chuyên ngành hẹp của chương trình đào tạo. Ví dụ, chị Bùi Quỳnh Anh (NANOMED) từng có kinh nghiệm làm về vật liệu nano cho ngành dược trước khi ứng tuyển vào một chương trình nghiên cứu về vật liệu nano cho ngành y sinh; hay chị Vũ Thị Phương Anh (SuCat) từng có 2 năm kinh nghiệm nghiên cứu về các chất xúc tác trước khi ứng tuyển cho một chương trình chuyên đào tạo và nghiên cứu về mảng xúc tác hóa học. Kinh nghiệm liên quan gián tiếp là trường hợp ứng viên có dự án nghiên cứu liên quan đến kiến thức nền của ngành hẹp, từ đó ứng viên thể hiện cho hội đồng tuyển sinh thấy mình có thể hoàn thành tốt chương trình học và làm được nghiên cứu về mảng hẹp mà chương trình đào tạo. Ví dụ, Hiển từng được học bổng của 2 chương trình SERP+ và MESC+ mà không có một kinh nghiệm nghiên cứu nào liên quan trực tiếp đến ngành hẹp của cả 2 chương trình. Theo Hiển chia sẻ, Hiển chỉ có khoảng thời gian ngắn nghiên cứu về công nghiệp màng ứng dụng trong lọc tách khí - thuộc mảng khoa học vật liệu và kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực tổng hợp hữu cơ - lĩnh vực nền tảng cho các ngành học về vật liệu và xúc tác. Từ những kinh nghiệm nghiên cứu có được ở bậc cử nhân, Hiển đã thành công thuyết phục hội đồng tin tưởng vào khả năng hoàn thành tốt chương trình học của bản thân khi chuyển sang học một chuyên ngành hẹp khác. Lợi thế và điểm yếu của sinh viên Việt Nam: Là một sinh viên đến từ quốc gia đang phát triển và nằm ở khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, chúng ta có lợi thế về địa lý khi ứng tuyển vào các chương trình của Erasmus Mundus. Đây là một chương trình mang đậm màu sắc văn hoá và chính trị, vì vậy chương trình học luôn có số lượng học bổng quy định dành cho mỗi khu vực trên thế giới. Điều đó làm giảm một phần áp lực cạnh tranh của ứng viên nước mình. Ngoài ra, với lợi thế là quốc gia đang phát triển, Việt Nam có rất nhiều các chương trình hợp tác quốc tế về mặt học thuật của các trường đại học trong nước và nước ngoài, từ đó chúng ta có thêm cơ hội để trải nghiệm và làm đẹp hồ sơ trước khi ứng tuyển Erasmus Mundus - EM Lợi thế thứ hai là về kinh nghiệm nghiên cứu. Sinh viên ngành khoa học tự nhiên ở Việt Nam thường được tiếp xúc với nghiên cứu khoa học từ năm 2 hoặc năm 3 đại học, vì vậy phần lớn sinh viên đều có thời gian làm dự án nghiên cứu tính theo năm trước khi ứng tuyển các chương trình của EM. Điều đó khiến hồ sơ của ứng viên Việt Nam trở nên nổi bật hơn trong mắt hội đồng và cũng giúp chúng ta không bị bỡ ngỡ khi làm nghiên cứu ở bậc thạc sĩ. Theo chị Nguyễn Thị Khánh Huyền (MESC+), một lợi thế nữa của sinh viên Việt Nam mà ít người biết đến là lợi thế về mặt cảm tình. Chị Huyền chia sẻ: “Với những chương trình lâu năm như MESC+, việc các anh chị cựu sinh viên có đóng góp lớn cho chương trình học đã khiến hội đồng tuyển sinh có sự ưu ái đặc biệt đối với ứng viên đến từ Việt Nam. Yếu tố cảm tình chỉ chiếm một phần rất nhỏ khi xét duyệt hồ sơ, tuy vậy, trong trường hợp phải chọn một trong hai hồ sơ ngang nhau về mặt trình độ, nó sẽ là yếu tố quyết định liệu bạn có đỗ học bổng hay không”. Theo Huyền, điểm yếu lớn nhất của ứng viên Việt Nam là sự thiếu kinh nghiệm liên quan đến ngành hẹp của chương trình. Một số ngành học khá khó và có chi phí nghiên cứu đắt đỏ như vật liệu cho pin sẽ không được nghiên cứu nhiều ở bậc đại học. Vì vậy, với ứng viên không có nhiều thành tựu học tập nổi trội, Huyền gợi ý các bạn nên học thêm những môn học (hoặc chứng chỉ) liên quan đến ngành hẹp của chương trình và dành thời gian khoảng 1 năm sau đại học để làm nghiên cứu liên quan đến ngành hẹp. Điều đó giúp hồ sơ của ứng viên có sức nặng hơn khi đem ra hội đồng xét duyệt. 3. Kinh nghiệm chuẩn bị Quá trình chuẩn bị Tuy thời gian chuẩn bị hồ sơ cho chương trình Thạc sĩ của cả 5 anh chị chỉ kéo dài trung bình từ 3 đến 6 tháng do họ đã biết đến các chương trình mà mình ứng tuyển từ sớm. Các anh chị cũng chia sẻ rằng họ đã dành thời gian từ 2 đến 3 năm để trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu nhằm xây dựng một bộ hồ sơ đủ mạnh để nộp cho EM - một chương trình học bổng nổi tiếng và có tính cạnh tranh cao. Vậy các anh chị đã chuẩn bị ra sao? Thế Phong chia sẻ rằng anh biết đến học bổng EM từ năm nhất đại học. Thời điểm đó, Phong chỉ nắm được yêu cầu chung của học bổng là GPA tốt, kinh nghiệm nghiên cứu phù hợp và có nhiều hoạt động ngoại khoá thôi chứ chưa thực sự dành thời gian tìm hiểu sâu về chương trình. Thời gian Phong nghiêm túc tìm hiểu và đầu tư vào việc chuẩn bị hồ sơ cho các chương trình IMETE và ECT+ là hè năm 2021. Khi đó, Phong đã có 2 nghiên cứu về mảng môi trường, một vài hoạt động ngoại khóa liên quan đến ngành học, và vốn tiếng anh đủ tốt để có điểm IELTS đáp ứng được yêu cầu ứng tuyển của chương trình. Với các chương trình ngoại khóa, Phong đã đã tham gia làm dự án với SOLEN - một công ty hoạt động trong lĩnh vực môi trường tại Việt Nam; và anh còn tham gia rất nhiều hội thảo khoa học chuyên ngành được tổ chức tại Đại học Bách Khoa (Hà Nội). Với Quỳnh Anh, khoảng thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 1/2022 là lúc Quỳnh Anh bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ cho chương trình NANOMED. NANOMED là một chương trình nặng về nghiên cứu nên việc có công bố quốc tế là điểm cộng rất lớn cho các ứng cử viên. Điểm đó vừa vặn phù hợp với hồ sơ của Quỳnh Anh. Quỳnh Anh chia sẻ:" Mình không có hoạt động ngoại khóa hay trải nghiệm đa sắc tộc nào liên quan đến ngành học, vì thế mình quyết định xây dựng hồ sơ cá nhân nặng về học thuật để tăng cơ hội đỗ học bổng". Ngoài việc chuẩn bị cho quá trình viết thư động lực, các giấy tờ trong hồ sơ, Quỳnh Anh cũng tập trung nghiên cứu để viết 2 bài báo Quốc tế, làm đẹp cho bộ hồ sơ trước khi chính thức ứng tuyển chương trình. Do quỹ thời gian hạn hẹp, Phương Anh chỉ có vỏn vẹn 3 tháng để tập trung chuẩn bị cho hồ sơ ứng tuyển chương trình SuCat. Tuy vậy, việc xây dựng hồ sơ đã bắt đầu từ rất lâu nên khi ứng tuyển EM, Phương Anh đã có những kinh nghiệm nghiên cứu phù hợp và các hoạt động ngoại khoá làm đẹp cho hồ sơ của mình. Trước khi ứng tuyển chương trình thạc sĩ của EM, Phương Anh đã từng nhận học bổng trao đổi học thuật Erasmus+ (Erasmus+ International Credit Mobility) tại Trường Công Nghệ Kỹ Thuật Munich, Đức (TUM) và tham gia chương trình hè tại Trường Quốc Gia Khoa học và Công Nghệ Seoul (SEOULTECH). Với một hồ sơ mạnh về hoạt động ngoại khoá và có 2 năm kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực vật liệu xúc tác, Phương Anh đã tự tin ứng tuyển chương trình SuCat. Chị cho biết mình đã tìm hiểu kĩ về chương trình từ năm 2021, từ đó chị sắp xếp thời gian và chuẩn bị hồ sơ một cách có hệ thống. Quý Hiển là một trong số ít các ứng viên có hồ sơ mạnh về cả học thuật và ngoại khoá. Theo Hiển chia sẻ, anh bắt đầu việc chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển chương trình SERP+ trước hạn nộp học bổng 2 tháng. Lúc đó, anh đã có bảng thành tích học tập tốt và kinh nghiệm nghiên cứu được trau dồi suốt những năm đại học. Đặc biệt, do có chứng chỉ IELTS từ năm 2 đại học, Hiển đã có cơ hội thực tập tại tập đoàn UOP - Tập đoàn Dầu Khí rất lớn của Mỹ và tham gia chương trình nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc. Tất cả những thành tích và trải nghiệm đó đã giúp Hiển đỗ được học bổng cho chương trình Erasmus danh giá. Nếu các bạn chưa biết phải tham gia hoạt động ngoại khóa gì để xây dựng hồ sơ, Hiển gợi ý chúng ta nên tìm thông tin về các chương trình ngoại khoá từ trường đại học và từ các anh chị khóa trước. Với vị thế là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã và đang thu hút rất nhiều đầu tư và hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực học thuật. Vì vậy, hầu hết các chương trình ngoại khóa mà Hiển biết là từ hợp tác giữa trường đại học của mình với các tập đoàn hay với cơ quan giáo dục nước ngoài. Với các bạn sinh viên yêu thích khoa học và mong muốn có trải nghiệm nghiên cứu tại các trường đại học hàng đầu thế giới như Đại học Kyoto (Nhật Bản) hay Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Hiển gợi ý các bạn có thể nộp hồ sơ cho chương trình hè AMGEN 12. Thời gian thích hợp nhất để tham gia các chương trình thực tập quốc tế là hè năm 3 đại học, vì vậy các bạn hãy chú ý thời gian để nộp hồ sơ. Với Khánh Huyền, năm 3 đại học là khoảng thời gian Huyền quyết định sẽ tiếp tục theo đuổi ngành học của mình ở bậc Thạc sĩ. Vì thành tích học tập không phải điểm mạnh của Huyền, chị quyết định xây dựng hồ sơ theo hướng làm nổi bật kinh nghiệm nghiên cứu. Dù bận việc học ở trường, Huyền vẫn cố gắng đến phòng thí nghiệm thường xuyên để làm dự án. Vào mùa hè năm 2019, Huyền đã đăng ký ứng tuyển chương trình thực tập AMGEN - một chương trình trao đổi nghiên cứu nổi tiếng và được nhận vào thực tập tại trường Đại học Kyoto, Nhật Bản. Dù tốt nghiệp đại học vào đúng đỉnh dịch Covid-19, Huyền vẫn cố gắng xin ứng tuyển làm trợ lý nghiên cứu từ xa để tích lũy kinh nghiệm và làm mạnh hồ sơ. Tại thời điểm ứng tuyển cho chương trình MESC+, Huyền đã có gần 3 năm kinh nghiệm làm nghiên cứu, một bài đăng tạp chí quốc tế Q1, một chương trình thực tập tại trường Kyoto (Nhật Bản) và một chương trình thực tập ở Đài Loan (tuy nhiên, chương trình ở Đài Loan đã bị hủy do dịch bệnh kéo dài). Khó khăn trong quá trình chuẩn bị Khó khăn lớn nhất đối với Phong là quá trình chuẩn bị giấy tờ và thủ tục cần thiết để nộp hồ sơ. Tại thời điểm ứng tuyển, Phong vẫn chưa tốt nghiệp nên cần phải có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời từ trường. Tuy nhiên, các phòng ban ở trường chưa nhiệt tình hỗ trợ sinh viên về mặt giấy tờ và thủ tục hành chính mất thời gian khiến Phong gặp nhiều trở ngại trong việc có được những giấy tờ cần thiết để ứng tuyển. Với Quỳnh Anh và Huyền, quỹ thời gian hạn hẹp là một khó khăn trong quá trình chuẩn bị hồ sơ. Trường hợp của Quỳnh Anh vừa phải đi làm và vừa phải viết báo nên không có nhiều thời gian để viết và sửa bài luận. Tương tự, Huyền cũng phải cố gắng cân bằng giữa thời gian học và làm nghiên cứu, đồng thời chuẩn bị hồ sơ. May mắn có sự hướng dẫn tận tình và động viên từ thầy cô và bạn bè nên Quỳnh Anh và Huyền đã vượt qua được thời kỳ khủng hoảng này và hoàn thành tốt bộ hồ sơ học bổng cho mình. 12 Quốc gia Đối tác: Partner country Cùng là lần đầu nộp hồ sơ học bổng bậc Thạc sĩ, Phương Anh và Quý Hiển đều gặp những trở ngại nhất định khiến quá trình nộp hồ sơ tương đối vất vả và mất phương hướng. Phương Anh chia sẻ rằng sau khi đọc một loạt các yêu cầu của chương trình cũng như tham khảo lý lịch xuất sắc của các anh chị khóa trước, bản thân đã mất tự tin vì nghĩ hồ sơ của mình chưa đủ cạnh tranh để ứng tuyển cho chương trình. Hiển thì không có nhiều mối quan hệ trong mạng lưới Erasmus để có thể tìm được anh/chị đi trước phù hợp giúp Hiển định hướng. “Cái sự khó khăn khi lần đầu làm cái gì đó ấy, nó giống như đối diện với một cái hộp đen và mình không biết cái gì sẽ nhảy ra cả”, Hiển chia sẻ. Lời khuyên Đối với bất kỳ ngành học nào của Erasmus, GPA đều có vai trò quan trọng trong bộ hồ sơ. Vì vậy, việc tập trung cho việc học để có GPA tốt từ năm nhất nên là ưu tiên hàng đầu vì tiêu chí này sẽ mang lại lợi thế lớn cho các bạn ứng viên. Nếu đã ra trường và GPA khi tốt nghiệp không được cao, các bạn có thể cải thiện thành tựu học thuật bằng cách tham gia các dự án nghiên cứu khoa học và có những công bố trên các báo quốc tế uy tín. Đó là cách mà Khánh Huyền, Phong và Quỳnh Anh đã làm. Quỳnh Anh chia sẻ: “GPA của mình không thấp nhưng cũng không cao đến mức có thể cạnh tranh, vì vậy Quỳnh Anh đã làm mạnh hồ sơ của mình bằng 2 bài báo quốc tế, phấn đấu được tốt nghiệp sớm 1 năm, và đứng đầu khóa với số điểm bảo vệ luận án tốt nghiệp là 9.9”. Các bạn muốn ứng tuyển các chương trình thuộc mảng Khoa học tự nhiên nếu có thể nên đầu tư thời gian tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học và viết bài báo xuất bản ở trường, cấp quốc gia hay thậm chí quốc tế về lĩnh vực các bạn muốn ứng tuyển sau này để thử sức cũng như làm đẹp hồ sơ. Các thành tích nghiên cứu khoa học và việc có tên trên các ấn phẩm xuất bản là một điểm cộng cho các ứng cử viên ngành Khoa học tự nhiên. Trau dồi khả năng tiếng Anh càng sớm càng tốt cũng là một lợi thế cho các ứng cử viên. Các chứng chỉ tiếng Anh rất có lợi trong nhiều trường hợp như ứng tuyển đi học trao đổi, đi thực tập hay tham gia hội nghị khoa học ở nước ngoài - từ đó giúp các bạn có những trải nghiệm vừa có giá trị cho bản thân lại vừa làm đẹp cho bộ hồ sơ. Với nhiều chương trình, chứng chỉ tiếng Anh cũng chiếm trọng số tương đối cao trong bộ hồ sơ. Ví dụ với NANOMED, khả năng ngôn ngữ chiếm 20% tổng số điểm, ngang với thư động lực và kinh nghiệm nghiên cứu. “Các bạn muốn ứng tuyển chương trình NANOMED nên có điểm IELTS cao một chút, khoảng 7.0-8.0 là mức an toàn”, Quỳnh Anh chia sẻ. Nhiều bạn hay lầm tưởng rằng với khối ngành Khoa học tự nhiên, chỉ cần “đầu to mắt cận” học giỏi và chăm làm nghiên cứu là đủ cạnh tranh. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ chương trình nào khác thuộc EM, việc ứng viên tham gia các chương trình ngoại khóa liên quan đến học thuật và xã hội sẽ là điểm nổi bật khiến hồ sơ có thêm tính cạnh tranh. Qua 2 năm học chương trình SERP+, Quý Hiển cho rằng EM có sự “ngầm” ưu tiên những ứng viên từng có trải nghiệm quốc tế trong quá trình tuyển chọn. EM là một chương trình đề cao sự trải nghiệm đa văn hóa của ứng viên trong quá trình đi học, vậy nên nếu các bạn chưa từng có trải nghiệm đa sắc tộc, khả năng cao các bạn sẽ bị hoang mang và gặp nhiều khó khăn khi phải liên tục di chuyển trong châu Âu. Tuy nhiên, Hiển cũng nhấn mạnh việc có trải nghiệm quốc tế không phải là điều bắt buộc dành cho ứng viên, nó chỉ mang tính quyết định khi hội đồng phải lựa chọn một trong vài hồ sơ có thế mạnh ngang nhau thôi. “Với lợi thế là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam có rất nhiều hợp tác quốc tế với các trường trong khu vực và trên thế giới, sao chúng ta không tận dụng điều này nhỉ?” Hiển chia sẻ. Phong cũng khuyên thêm các bạn khoá sau hãy thực sự tìm hiểu kĩ về một (hoặc một vài) chương trình mình thực sự muốn nộp thay vì rải hồ sơ khắp nơi và hy vọng vào may mắn. Chương trình sẽ trao học bổng cho những bạn thực sự biết mình có gì, mình muốn gì và mình cần gì ở chương trình. B. Quá trình ứng tuyển 1. Thư động lực Khái niệm thư động lực chắc hẳn không hề xa lạ đối với những bạn đang dấn thân vào con đường tìm kiếm học bổng. Các bạn hoàn toàn có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin hướng dẫn cách viết luận chi tiết và tỉ mỉ nhất chỉ với một vài bước tìm kiếm đơn giản. Ở đây tác giả không đi quá chi tiết vào việc hướng dẫn cách viết luận, mà sẽ chỉ nêu ra những lưu ý quan trọng và những sai lầm cần tránh thông qua kinh nghiệm thực tế từ những học giả Erasmus Mundus. Thư động lực, hay là bài luận, chính là trái tim của bộ hồ sơ, là con đường ngắn nhất và trực tiếp nhất để ứng viên khắc họa hình ảnh bản thân mình đến hội đồng xét tuyển. Ngoài những tiêu chí về sự phù hợp của ứng viên đối với chương trình, thư động lực còn là yếu tố để hội đồng tìm kiếm một ứng viên có phẩm chất trí tuệ và nhân cách tốt (dựa trên các câu chuyện cá nhân được trình bày) và đánh giá kỹ năng viết và giao tiếp của một người (dựa trên tính tuyến tính và mạch lạc của bài luận). CẤU TRÚC ĐỀ XUẤT CHO MỘT BÀI LUẬN Dưới đây là đề xuất của tác giả về những phần nên có trong một bài luận. Tuy nhiên, cần lưu ý đây không phải là một dàn bài mẫu và không thể áp dụng vào bất cứ chương trình nào. Mỗi chương trình đều có các yêu cầu khác nhau và có thể đưa ra những dạng câu hỏi khác nhau. Ứng viên cần linh hoạt trong việc tham khảo các dàn bài mẫu để tránh bị đóng khung bài luận của mình. 1. Một phần giới thiệu ngắn và thu hút Mẹo nhỏ dành cho bạn: Tránh sử dụng các câu nói nổi tiếng hay thành ngữ, tục ngữ để làm câu mở đầu bài luận. Việc trích dẫn những câu nói hay và ý nghĩa khá phổ biến trong lối hành văn của người Việt. Tuy nhiên trong một bài luận tiếng Anh chuẩn mực, được sử dụng cho mục đích ứng tuyển học bổng thì việc này là không hề khuyến khích. Việc sử dụng ngôn ngữ và lời văn của người khác, không tạo ra giá trị gì trong việc khắc họa hình ảnh con người bạn đến với ban tuyển sinh Đối với Huyền, chị chia sẻ rằng chị đã chọn 1 narrative hook (câu chuyện mở đầu) là một đoạn ngắn liên quan đến nữ quyền. “Khi mình theo học trong ngành, dù mình nổi bật và làm tốt nhưng những người xung quanh bao gồm cả người thân vẫn luôn e dè vì mình là nữ. Và sau đó thì mình càng quyết tâm chứng tỏ bản thân mình khi học đại học. Chuyện này là chuyện thật, nhưng mình chỉ viết ngắn thôi để tránh kể khổ và gây tranh cãi nhiều.” 2. Liên hệ với những trải nghiệm của cá nhân Hãy nêu ra những trải nghiệm trong quá khứ đã giúp bạn hoàn thiện bản thân, định hình cá tính và tư duy. Phần này bạn có thể nêu ra những thành tựu độc đáo hoặc những thất bại đáng nhớ trong quá khứ giúp bạn khác biệt, nổi bật trong bể ứng viên. Tuy nhiên hãy diễn đạt nó như một lời tự sự, kể về một câu chuyện của bản thân, không phải như dạng liệt kê như trong CV. Hãy chọn lọc 1-2 câu chuyện/chi tiết nổi bật nhất, nhấn mạnh vào quá trình, thêm các diễn giải cá nhân và bài học rút ra. Tác giả đề xuất các bước để viết mục này theo cấu trúc STAR như sau: ● Xác định vấn đề/ tình huống (Situation) ● Thách thức (Task) ● Các giải pháp cụ thể (Actions) ● Kết quả (theo quan điểm cá nhân) (Results) ● Ý nghĩa & bài học kinh nghiệm (Lesson learned) Trao đổi với Hiển, anh tự hào cho rằng câu chuyện cá nhân của anh chính là một chi tiết rất đáng giá của bài luận. Anh đã kể về sự tò mò của mình về Tesla khi còn học cấp 3 và sự hứng thú với pin xe điện, vì vậy Hiển đã chọn ngành Hoá trong bậc Đại học rồi tham gia nghiên cứu về mảng Hoá hữu cơ. Trong bài luận, Hiển đã thể hiện rõ đam mê và những trải nghiệm phù hợp với mục tiêu hướng đến của chương trình. 3. Mục tiêu (Goals and Sense of Purpose) Phần lớn các chương trình sẽ đưa ra những câu hỏi mà hội đồng xét tuyển đang tìm kiếm câu trả lời. Dưới đây là một số câu hỏi phổ biến để gợi ý hướng đi/dàn bài cho ứng cử viên: ● Tại sao bạn lại lựa chọn học Thạc sĩ ngành học này? ● Những thành tích/trải nghiệm/động lực nghề nghiệp tương lai khiến bạn phù hợp với chương trình này/xứng đáng nhận được học bổng này? ● Mục tiêu ngắn hạn/dài hạn? ● Tại sao lại lựa chọn chương trình này? Mẹo nhỏ: ● Nghiên cứu kỹ thông tin chương trình ● Thảo luận về chương trình giảng dạy được cung cấp, có thể đề cập các khóa học cụ thể và các giáo sư cụ thể sẽ giúp được bạn như nào cho các vấn đề hiện tại và mục tiêu nghề nghiệp của bạn ● Tạo chi tiết đáng giá trong bài luận của mình với những điểm nhấn cá nhân Phong cho rằng trong các câu hỏi để viết vào bài luận, Phong ấn tượng nhất với câu "Có vấn đề nào ở đất nước bạn mà bạn hi vọng sẽ giải quyết sau khi học xong chương trình không? Chương trình học này đóng vai trò gì trong việc đó?". Phong đã nói về các dòng sông chết ở Hà Nội (ví dụ như sông Tô Lịch) và mong muốn giải quyết vấn đề đó bằng việc nghiên cứu sâu hơn về quá trình ô nhiễm nguồn nước và các phương pháp xử lý nước bị ô nhiễm sau khi tốt nghiệp thạc sĩ. Chương trình IMETE có nhiều khóa học liên quan đến việc xử lý nước thải, vậy nên Phong thấy chương trình sẽ giúp bản thân hiểu thêm về cách xử lý vấn đề ô nhiễm sông ngòi để phục vụ cho mục đích sau khi tốt nghiệp của mình. 4. Đóng góp của bản thân cho chương trình và đất nước Một lần nữa, hãy khẳng định sự độc đáo trong nền tảng học thuật và những kinh nghiệm sống đầy màu sắc của bạn có thể đóng góp vào sự đa dạng của chương trình như thế nào. Nói một cách khác, hãy cho hội đồng tuyển sinh thấy rằng bạn là một cá nhân có đủ tài và có đủ tâm mà chương trình đang tìm kiếm. 5. Giải thích những điểm chưa rõ ràng hoặc những điểm yếu trong CV của bạn Với những cá nhân không có một chiếc CV hoàn hảo, bài luận chính là một cơ hội tuyệt vời để bạn có thể giãi bày những điểm yếu trong bộ hồ sơ của bạn, ví dụ như điểm kiểm tra, điểm trung bình thấp; những thay đổi và chưa thành công trong nghề nghiệp; những khoảng trống lớn giữa các mốc thời gian mà bạn không có bất kì hoạt động nào. Tuy nhiên, thay vì chỉ tập trung kể về điểm yếu, bạn cũng nên đề xuất cách khắc phục hoặc đề cập đến những điểm tốt khác để bù trừ. LỜI KHUYÊN VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN TRÁNH ● Không có một khung thời gian chuẩn mực nào được xem là “đủ” để viết một bài luận. Hiểu rõ bản thân mình, và luôn dành thời gian để dự phòng cho những rủi ro, chính là chìa khóa để bạn hoàn thiện một bài luận tốt. Quỳnh Anh chia sẻ rằng chị đã dành 6 tháng để viết luận vì thời gian của chị rất hạn hẹp, nên chị chỉ có thể dành thời gian cuối tuần cho việc viết luận. Cân nhắc cả khả năng viết luận còn hạn chế của mình, nên Quỳnh Anh quyết định bắt đầu từ rất sớm để có nhiều thời gian cho việc đọc lại và sửa chữa. Trong khi đó, Huyền chỉ dành 3 ngày vì chị đã có rất nhiều kinh nghiệm từ những lần ứng tuyển các học bổng trước. ● Luôn có chiến lược cho bản thân khi bắt tay vào viết, từ việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức, cộng đồng, học giả hay thậm chí là những ứng dụng hỗ trợ viết luận. Cả Phương Anh và Huyền đều nhờ những người có chuyên môn và kinh nghiệm từ trước để sửa bài luận: người thứ nhất là người có khả năng viết tốt để sửa về văn phong, lập luận mạch lạc Tiếng Anh, và người thứ 2 có kiến thức chuyên ngành liên quan, có học vị cao hơn để tăng tính thuyết phục về mặt chuyên môn với hội đồng. Trong khi đó, Phong đã chuẩn bị hồ sơ mà không nhờ đến sự trợ giúp của người khác. Vì vậy, Phong phải bắt đầu viết thư động lực trước khi nộp hồ sơ vài tháng. Ngoài ra, Phong cũng đã dùng ứng dụng Grammarly để chỉnh sửa câu từ trong bài luận, đọc và sửa lại bài luận nhiều lần để chắc chắn mình đã viết đúng với yêu cầu của chương trình. Từ những kinh nghiệm đúc rút trong quá trình tự viết thư động lực, cả 5 anh chị có những lời khuyên sau cho các bạn khóa dưới: ● Đừng cố gắng thể hiện trình độ ngôn ngữ qua việc sử dụng các từ vựng “đao to búa lớn”. Đây là một lá thư động lực chứ không phải một bài thi thể hiện trình độ ngoại ngữ. Từ ngữ phù hợp, nhẹ nhàng, dễ hiểu chính là chìa khóa để thể hiện bản thân một cách tốt nhất tới người đọc. ● Việc đọc đi đọc lại nhiều lần bài luận, và dành những khoảng nghỉ giữa các lần đọc được tác giả khuyến khích. Mặc dù thư động lực chính là tài liệu thể hiện rõ dấu ấn cá nhân của bạn nhất, nhưng cũng rất cần mang tính khách quan. Vì vậy đôi khi có thể trong quá trình viết luận, bạn sẽ có những cảm xúc khá mạnh và nồng nhiệt, cũng nên cần suy xét cách dùng từ, hành văn để giọng văn luôn giữ tính khách quan. ● Không nên đề cập những nội dung quá chung chung và dài dòng mà ai cũng có thể viết được, thiếu dấu ấn cá nhân. ● Tránh liệt kê thành tích quá nhiều. Thành tích của các bạn đã được ghi trong CV và được thầy cô nhắc đến trong thư giới thiệu rồi, vì vậy bài luận nên đi sâu vào trải nghiệm và mục tiêu tương lai. 2. Thư giới thiệu Tuy chỉ chiếm 10-15% sức nặng của một bộ hồ sơ nhưng thư giới thiệu lại là một yếu tố không thể thiếu trong hồ sơ ứng tuyển học bổng. Thư giới thiệu thường được xin từ người giảng dạy/cộng tác/làm việc thân cận với ứng viên hoặc từ người có chức vụ cao trong trường, cơ quan, tổ chức,.. Bên cạnh điểm số, hội đồng xét duyệt học bổng muốn biết thêm về tính cách, năng lực làm việc, các kỹ năng mềm,... từ ứng viên mà họ không có cơ hội để gặp mặt trực tiếp, do vậy thư giới thiệu từ một người biết và hiểu về ứng viên sẽ giúp cho hội đồng có được cái nhìn bao quát và khách quan hơn về ứng viên. Thông thường các chương trình thạc sĩ của Erasmus Mundus yêu cầu 2 thư giới thiệu. Tùy chương trình học mà thư giới thiệu được gửi trực tiếp từ người viết thư hoặc bạn phải nộp cùng hồ sơ ứng tuyển của mình. Nên xin thư giới thiệu từ ai? Trong giới khoa học nói chung, độ tin cậy của thư giới thiệu và danh tiếng của người viết thư là 2 yếu tố chính quyết định điểm số của thư giới thiệu. Độ tin cậy của thư là yếu tố tiên quyết khi hội đồng xét duyệt hồ sơ. Có nhiều chương trình sẽ trực tiếp liên hệ người viết thư để hỏi thêm thông tin về ứng viên nếu họ có bất kì một nghi ngờ gì khi xét hồ sơ, hoặc họ muốn biết thêm những điều khác về ứng viên để đưa ra quyết định cuối cùng. Vì thế, cả 5 ứng viên của các chương trình thuộc ngành Khoa học tự nhiên đều cho rằng chúng ta nên xin thư giới thiệu từ những người hướng dẫn bạn làm nghiên cứu, dự án khoa học hoặc có thể từ giảng viên môn học có liên quan đến chương trình học mà mình đang ứng tuyển. Còn nếu bạn đã đi làm thì đó có thể là người lãnh đạo, sếp của bạn trong công ty. Danh tiếng của người viết thư là yếu tố quan trọng không kém khi hội đồng chấm điểm thư giới thiệu. Sự đề cử đến từ một giáo sư có tiếng trong ngành hay từ người lãnh đạo đơn vị bạn học và làm việc sẽ khiến thư giới thiệu của bạn được chấm điểm cao hơn, thậm chí là lấy được điểm tuyệt đối cho phần thư giới thiệu, tuy nhiên đây không phải là yếu tố bắt buộc phải có. Quỳnh Anh cho rằng chúng ta không nên xin thư giới thiệu từ một giáo sư có tiếng nhưng không biết nhiều về mình: “Nếu bạn xin thư giới thiệu từ một vị giáo sư nổi tiếng nhưng chỉ biết đến bạn qua những buổi dạy trên lớp, khả năng cao bạn sẽ nhận được lời từ chối”. Theo kinh nghiệm của một ứng viên từng đỗ chương trình EM, trong trường hợp bạn muốn xin thư giới thiệu từ giáo sư đầu ngành hay lãnh đạo đơn vị, hãy tạo cơ hội trò chuyện và tiếp xúc với người đó thông qua nhiều hoạt động khác như tham gia hội thảo nghiên cứu khoa học hay tham gia các chương trình trao đổi học tập, nghiên cứu. Trước đó, bạn hãy cố gắng đạt được thành tích học tập tốt và có biểu hiện ấn tượng khi học các môn của giáo sư bạn muốn xin thư giới thiệu. Sẽ tuyệt hơn cả nếu bạn có hướng nghiên cứu trong tương lai gần với hướng nghiên cứu của họ. Những điều đó sẽ giúp tăng khả năng được chấp thuận của bạn khi ngỏ lời xin thư đề cử từ những giáo sư đầu ngành. Nên viết gì trong thư giới thiệu Ngoài sự khen ngợi về thành tích, thư giới thiệu còn là câu trả lời cho vấn đề: “Tại sao ông/bà nghĩ việc đi du học là lựa chọn tốt nhất đối với ứng viên này”. Thông thường thư giới thiệu sẽ và nghiên cứu như thế nào); động lực để ứng viên đi du học dưới góc nhìn của người viết thư; điều gì khiến họ cho rằng năng lực và tiềm năng của ứng viên thích hợp cho được viết theo phong cách tự do chứ không phải trả lời các câu hỏi như thư động lực, vì vậy người đề cử có thể đưa vào thư bất cứ điều gì có lợi cho ứng viên. Tuy vậy, có một số thông tin mà người đề cử bạn nên đưa vào thư, ví dụ như góc nhìn của họ về khả năng học tập và định hướng tương lai của bạn. Theo Thế Phong, chúng ta có thể tham khảo yêu cầu về thư giới thiệu của chương trình Environmental Contamination and Toxicology (ECT+) để hiểu rõ hơn về những thông tin nên đề cập trong thư. Yêu cầu: không giới hạn số từ và phải bao gồm những thông tin sau13 ● Thời gian và hoàn cảnh mà người viết thư quen biết ứng viên ● Thông tin cụ thể về chương trình học của ứng viên. Có thể đưa vào các thông tin như môn học (các môn liên quan đến chương trình ứng viên định nộp), kết quả học tập, biểu hiện của ứng viên trong quá trình học) ● Xếp hạng của ứng viên trên tổng sinh viên cùng chương trình học nếu người viết thư biết (Ví dụ, ứng viên thuộc top 1%, 5% hay đứng đầu lớp) ● Sự thông minh/khả năng tư duy của ứng viên (thể hiện qua quá trình học tập việc học sau đại học Thông thường trong bộ hồ sơ ứng tuyển cần có 2 thư giới thiệu, do vậy mà bạn nên chủ động phân bổ, sắp xếp các mảng thông tin gửi cho người viết thư để tránh việc trùng lặp thông tin giữa hai bức thư này. 3. Vòng phỏng vấn Erasmus Mundus luôn muốn trao học bổng cho một người có tiềm năng đóng góp cho xã hội, vì vậy, hội đồng tuyển sinh sẽ muốn tìm các ứng viên vừa có tài, vừa có tâm cho chương trình học. Nếu các thành tích học tập trong CV thể hiện cái tài, bài luận và thư giới thiệu thể hiện cái tâm của ứng viên thì vòng phỏng vấn sẽ là cơ hội để ứng viên khẳng định rõ hơn cái tài và cái tâm của mình thông qua một cuộc trò chuyện. Chỉ một số chương trình mảng khoa học tự nhiên có phần phỏng vấn. Tuy vậy, một số chương trình sẽ dùng phần phỏng vấn như một cách xác định xem liệu ứng viên thật sự có kiến thức và chuyên môn trong một lĩnh vực liên quan đến chương trình hay không, liệu con người của ứng viên có đúng như cái tâm mà họ thể hiện trong bài luận, hay liệu ứng viên có mặt nào khiến hội đồng bất ngờ hay không. Vì thế, sự tự nhiên và trung thực trong suốt buổi nói chuyện rất quan trọng. Hãy dùng thời gian phỏng vấn dài khoảng 13 Erasmus Mundus Association Vietnam. https://www.facebook.com/EMAVietnam vài chục phút để nói lên một cách thoải mái rằng bạn là ai, không cần cố gắng biến bản thân thành một hình mẫu hoàn hảo nào đó chỉ vì nghĩ nó sẽ làm hài lòng hội đồng. Vậy có những lưu ý gì cho cuộc phỏng vấn? Chương trình sẽ liên hệ với ứng viên trước khoảng 1 tuần để thông báo về thời gian phỏng vấn. Trong trường hợp các bạn có việc gấp, hãy thông báo cho chương trình càng sớm càng tốt. Hội đồng sẽ cố gắng sắp xếp thời gian phỏng vấn thích hợp với thời gian rảnh của bạn. Trước khi phỏng vấn một ngày, chúng ta nên kiểm tra lại một số vấn đề cơ bản như: thời gian phỏng vấn, giấy tờ tùy thân (một số chương trình sẽ yêu cầu kiểm tra hộ chiếu), hệ thống mạng và thiết bị điện tử. Ứng viên nên chuẩn bị thêm một điện thoại có kết nối 4G khi vào phỏng vấn, vì bạn sẽ không biết liệu khu phố có bị cắt điện đột ngột hay không. Một cuộc phỏng vấn thông thường sẽ kéo dài từ 30-45 phút. Số người phỏng vấn không cố định, thông thường sẽ có khoảng 3-7 người tuỳ vào chương trình. Một người trong hội đồng sẽ đóng vai trò là người hỏi chính, những thành viên khác trong hội đồng sẽ phụ trách đặt câu hỏi thêm và đánh giá câu trả lời của ứng viên. Chuẩn bị cho phỏng vấn Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ khi chúng ta không biết bắt đầu từ đâu. Phương Anh gợi ý chúng ta có thể tìm và liên hệ với các ứng viên khóa trước qua các mạng xã hội như Facebook, LinkedIn và tham khảo quy trình phỏng vấn của các năm trước. Nếu chương trình bạn chọn đã có nhiều anh chị Việt Nam theo học thì Quỳnh Anh gợi ý các bạn hãy tìm thông tin anh chị trên nhóm Facebook Erasmus Mundus Việt Nam 14, hoặc tham gia các chương trình hướng dẫn nộp học bổng (mentorship) để tìm kiếm sự giúp đỡ. Sẽ rất tuyệt nếu các anh chị từng đỗ chương trình từng học cùng trường Đại học với mình. Trong trường hợp đó, chúng ta có thể liên hệ trực tiếp với anh chị hoặc xin thêm thông tin về anh chị qua giảng viên trong trường. Bên cạnh đó, chúng ta có thể tự chuẩn bị một bộ câu hỏi phỏng vấn cho riêng mình. Mục đích của vòng phỏng vấn là để hội đồng hiểu thêm về con người và tài năng của ứng viên, vì vậy, những câu hỏi về chuyên ngành, dự định tương lai và kỹ năng xã hội sẽ thường được đặt ra trong vòng phỏng vấn. Các bạn có thể tham khảo một số câu hỏi và hướng trả lời các câu hỏi đó từ hai chị, Phương Anh và Quỳnh Anh: 1. Hãy giới thiệu về bản thân mình Nên giới thiệu một cách gọn các thông tin sau: tên (tuổi), quốc tịch, Đại học và chuyên ngành học, hiện tại đang làm gì và lý do ứng tuyển chương trình. Hãy nói trong khoảng 5 câu. 14 https://www.master-photonics4security.eu/assessmentappeal 2. Hãy nói về những dự án/kinh nghiệm làm việc liên quan đến chương trình này Đây sẽ là câu hỏi chiếm phần lớn thời gian phỏng vấn. Ở câu hỏi này, Quỳnh Anh gợi ý các bạn nên đọc lại những nghiên cứu mà mình đã ghi trong CV ứng tuyển. Ngoài ra, Quỳnh Anh cũng khuyên các bạn nên ôn lại một số kiến thức chuyên ngành liên quan đến dự án nghiên cứu. Hội đồng có thể sẽ đặt câu hỏi phụ đi sâu vào kiến thức chuyên ngành để kiểm tra mức độ hiểu biết của ứng viên về dự án mình làm. 3. Dự định tương lai của bạn là gì? Hãy nói khớp với dự định mình đã nói ở trong bài luận. Đừng nói nhầm nếu không muốn cuộc phỏng vấn kết thúc sớm hơn dự tính. 4. Bạn từng có trải nghiệm đa sắc tộc hoặc đa văn hoá nào chưa? Liệu việc di chuyển liên tục trong chương trình có gây khó khăn cho bạn? Như chúng ta đã biết, Erasmus Mundus là một chương trình để cao văn hoá và học thuật. Việc di chuyển trong chương trình học là điều bắt buộc. Các bạn sẽ có cơ hội sống, và học tập tại ít nhất 2 quốc gia, vì thế hội đồng mong muốn ứng viên có thể thích ứng được với việc thay đổi môi trường sống và học tập. 5. Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì? Phương Anh nghĩ đây là câu hỏi khó trả lời nhất theo góc nhìn của chị. Phương Anh không rõ hội đồng muốn biết điều gì ở ứng viên qua câu hỏi này, tuy vậy, Phương Anh nghĩ chúng ta nên trả lời theo hướng ‘mình đã và đang làm gì để cải thiện nó’ khi trả lời các câu hỏi về điểm yếu. Đương nhiên, đừng chọn điểm yếu mà nó ‘yếu’ thực sự, ví dụ như “không đủ kiên nhẫn để làm thí nghiệm” hay “không hoà nhập được với môi trường mới”. Chúng ta đang phỏng vấn cho chương trình Erasmus Mundus mảng khoa học, vậy nên đừng nói về điểm yếu chắc chắn sẽ có ảnh hưởng xấu trực tiếp đến bản thân và những người xung quanh khi theo học chương trình. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên tránh các câu trả lời nghe có vẻ phổ biến như: “Điểm yếu của em là quá cầu toàn”. Câu trả lời này đã phổ biến trên mạng từ rất lâu rồi, vì vậy nó không mang tính thực tế cao khi ứng viên nói trước hội đồng. Trong ngày phỏng vấn Chúng ta nên có sự chuẩn bị về trang phục và địa điểm cho buổi phỏng vấn. Trang phục phải lịch sự, không cần quá trang trọng hay cầu kì. Quỳnh Anh gợi ý chúng ta có thể mặc áo sơ mi vào mùa hè và mặc áo len màu trung tính vào những khi thời tiết lạnh. Địa điểm tốt nhất để phỏng vấn là tại nhà riêng, trong phòng yên tĩnh và có ánh sáng tốt. Một điều quan trọng không kém cho buổi phỏng vấn là sự chuẩn bị về tinh thần. Mẹo nhỏ của Quỳnh Anh là hãy nói chuyện với bạn bè và người thân về những chủ đề không liên quan đến học tập, nghiên cứu. Hãy để bản thân quên đi tâm trạng lo lắng của buổi phỏng vấn và hãy tự động viên bản thân thật nhiều. Chúng ta đã cố gắng chuẩn bị kĩ hết mức trong những ngày trước đó rồi, vậy nên chúng ta không có gì để hối tiếc khi bản thân đã cố gắng hết sức mình. 4. Những lưu ý khác Tốt nghiệp hạng giỏi Tốt nghiệp hạng giỏi (3.2-3.59/4) là một dấu mốc các bạn sinh viên luôn muốn hướng tới, bởi lẽ thứ hạng này không chỉ thể hiện được tinh thần ham học mà còn phản ánh lên trách nhiệm của sinh viên đối với các môn học tại trường. “Cần cù bù thông minh”, câu nói này luôn đúng trong mọi môi trường học tập. Để đạt được hạng giỏi khi tốt nghiệp chính là quá trình tích lũy từ từ trong toàn bộ quá trình học. 3.2 không phải là mức điểm cao nhất nhưng rất cần sự bền bỉ, kỹ càng và ôn luyện thường xuyên (Phong chia sẻ). Chính vì vậy, ngay từ những năm đầu tiên của bậc đại học, hãy thật sự quan tâm tới GPA, nó sẽ có sức ảnh hưởng rất lớn trong hành trình ứng tuyển học bổng của các bạn, đặc biệt là các học bổng thạc dạng tài năng (merit-based) như Erasmus Mundus. Chứng chỉ IELTS/TOEFL và một số ngôn ngữ khác Tiếng anh là công cụ, là chìa khóa để các bạn trẻ sử dụng nó để hòa nhập với thế giới muôn màu. Vậy có nên thi chứng chỉ IELTS sớm hay chỉ nên học để biết? Cả 5 anh chị đều đồng ý với việc chúng ta nên có chứng chỉ tiếng anh từ những năm đầu đại học. Hiển cho rằng tiếng anh chính là công cụ để học tập, vậy nên ứng viên nên có chứng chỉ tiếng anh từ sớm để dành lấy cơ hội đi trao đổi. Khác với khối khoa học xã hội và nhân văn, phần lớn các bạn khối tự nhiên sẽ chọn dành thời gian cho những môn liên quan đến Toán, Lý, Hóa nhiều hơn và thường ít tập trung vào việc học ngoại ngữ. Việc chỉ học tiếng Anh khi quyết định ứng tuyển học bổng du học có thể khiến các bạn bỏ lỡ khá nhiều cơ hội tham gia các hoạt động ngoại khoá quốc tế hay trao đổi học thuật tại nước ngoài. Vì vậy, Hiển khuyên các bạn hãy có chứng chỉ tiếng anh từ năm nhất hoặc năm 2 đại học với mức điểm trên 6.5 để có thêm cơ hội trải nghiệm và làm đẹp hồ sơ cho mình. Hiển bật bí: “Năm 2018, khi phỏng vấn cho chương trình thực tập tại Mỹ của UOP, Hiển đã được chọn nhờ khả năng sử dụng tiếng Anh tốt và là ứng viên duy nhất sở hữu chứng chỉ tiếng Anh. Khánh Huyền cho rằng việc biết thêm một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh tuy không phải là yêu cầu bắt buộc nhưng nó thật sự rất cần thiết. Phần lớn các quốc gia ở châu Âu không dùng tiếng Anh như ngôn ngữ chính, và họ cũng vô cùng tôn trọng ngôn ngữ bản địa của mỗi quốc gia. Vì vậy, nếu du học sinh biết thêm một chút về ngôn ngữ tại quốc gia mình theo học thì họ sẽ dễ hòa nhập hơn rất nhiều. Ngoài việc học ở trên lớp, chúng ta cũng cần phải có giao tiếp với người bản địa trong sinh hoạt hằng ngày mà, đúng không? Hơn thế nữa, hồ sơ của các bạn sẽ tạo được ấn tượng đối với hội đồng xét duyệt khi các bạn trang bị thêm một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh. Vì vậy, Huyền mong các bạn hãy cố gắng bổ sung thêm chứng chỉ ngôn ngữ nếu có thời gian. Mong muốn được biết trước khi học chương trình Thạc sỹ Từ chia sẻ của các anh chị đi trước, đối với chương trình thạc sỹ mình theo học, bạn nên có một kiến thức nền thật vững để có thể dễ dàng hiểu được các kiến thức nâng cao hơn. Ngoài ra, du học sinh thường có nhiều bỡ ngỡ hay cú sốc văn hoá trong thời gian đầu sinh sống và học tập tại một quốc gia khác. Theo một ứng viên của chương trình Erasmus chia sẻ, cô ấy đã vô cùng bất ngờ và hoang mang khi biết rằng sinh viên phải phản biện được đề thi nếu muốn được điểm 8 trở lên ở môn Xúc tác học Cơ Bản tại trường TU Munich. Chính vì vậy, việc nắm vững kiến thức và nếu có thêm tài liệu học tập từ các anh chị đi trước sẽ là lợi thế lớn cho các bạn. Câu chuyện ngoài lề Học bổng toàn phần Erasmus Mundus là một học bổng danh giá của Châu Âu, các bạn sẽ trải qua quá trình học tập ở nhiều quốc gia, điều đó vừa là trải nghiệm quý báu vừa là khó khăn đối với việc xin visa đi các nước. Có một số nước xin visa rất khó khăn như Cộng hòa Séc, một phần vì người Việt Nam qua Séc quá đông gây quá tải hồ sơ, và một phần vì những ‘tổ chức tội phạm người Việt xuyên quốc gia’ khiến Séc không có nhiều thiện cảm dành cho người Việt 15 . Điều đó sẽ tạo ra không ít cản trở cho các du học sinh, nhưng bù lại, các bạn sẽ ‘già dặn’ hơn và trưởng thành hơn rất nhiều trong quá trình làm hồ sơ và sinh sống tại Séc. Một lời khuyên cho các bạn: Hãy cố gắng tạo thật nhiều mối quan hệ với anh chị đi trước, hoặc tham gia vào các cộng đồng để cùng học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm bạn nhé. 15 https://www.master-photonics4security.eu/how III. Ứng tuyển vào các chương trình nhóm ngành Kinh tế - Khoa học Xã hội & Nhân văn A. Xây dựng hồ sơ 1. Hồ sơ ứng viên tham khảo 1, Họ và tên: Lê Đức Đàm Chương trình học: Global Development Policy (GLODEP) Quốc gia theo học: Cộng hoà Séc, Pháp, Ý Niên khoá: 2022 - 2024 Đại học - chuyên ngành: Đại học Ngoại thương - Kinh tế quốc tế GPA: 3.94/ 4.0 2, Họ và tên: Phí Thị Thu Hằng Chương trình học: Children’s Literature, Media, and Culture (CLMC) Quốc gia theo học: Vương Quốc Anh, Đan Mạch, Hà Lan Niên khoá: 2021 - 2023 Đại học - chuyên ngành: Học viện Báo chí và tuyên truyền - Phát thanh - Truyền hình GPA: 7.94/10 (Luận văn: 9/10) 3, Họ và tên: Nguyễn Bảo Linh Chương trình học: Tourism Development and Culture (TourDC) Quốc gia theo học: Vương Quốc Anh, Malta, Hà Lan (trường hè), Thụy Điển Niên khoá: 2022-2024 Đại học - chuyên ngành: British University Vietnam - Quản trị Du lịch GPA: 71.49/100 (UK First Class) 4, Họ và tên: Vũ Hà Linh Chương trình học: Models and Methods of Quantitative Economics (QEM) Quốc gia theo học: Ý, Ba Lan Niên khoá: 2022-2024 Đại học - chuyên ngành: New York University Abu Dhabi (UAE) - Kinh tế GPA: 3.7/4.0 5, Họ và tên: Bùi Thị Thuỳ Linh Chương trình học: Economics of Globalisation and European Integration (EGEI) Quốc gia theo học: Ý, Bỉ, Estonia Niên khoá: 2021 - 2023 Đại học - chuyên ngành: Đại học Kinh tế Quốc dân - Kinh tế Đầu tư GPA: 3.63/4.0 (đứng thứ nhất trong khoá 60 người) 6, Họ và tên: Trần Phương Mai Chương trình học: Euroculture - Society, Politics and Culture in a Global Context (Euroculture) Quốc gia theo học: Đức, Hà Lan Niên khoá: 2020 - 2022 Đại học - chuyên ngành: Học viện Ngoại giao - Quan hệ Quốc tế GPA: 3.78/4.0 2. Chân dung ứng viên phù hợp Chương trình lựa chọn ứng viên theo yếu tố nào? Cũng như các nhóm ngành khác, các chương trình theo nhóm Khoa học - Xã hội - Nhân văn (KHXH&NV) cũng đặt ưu tiên cao đối với những bạn có nền tảng (background) tốt, có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, và thể hiện được rõ sự hiểu biết của mình đối với ngành mình chọn. Nếu nói về việc học của bạn ở bậc cử nhân, nhóm ngành KHXH&NV có phần “dễ tính" hơn các nhóm ngành khoa học tự nhiên khi cho phép thí sinh đến từ nhiều ngành khác nhau tham gia ứng tuyển. Do đặc thù nhóm ngành mà nhiều lớp học của KHXH&NV được tổ chức theo dạng trò chuyện và trao đổi kiến thức thay vì học lý thuyết. Với nguồn sinh viên có vốn kinh nghiệm đa dạng từ nhiều ngành học khác nhau, những buổi trò chuyện trên lớp cũng sẽ phong phú và giá trị hơn. Sinh viên tham dự sẽ không chỉ được học từ giáo sư mà còn từ chính bạn học. Ví dụ, với chương trình Global Development Policy (GLODEP), anh Lê Đức Đàm chia sẻ, ứng viên được tuyển chọn có lý lịch khá đa dạng, từ thương mại, ngân hàng, đến y tế cộng đồng, lương thực. Hoặc như chương trình Children’s Literature, Media, and Culture (CLMC) mà chị Phí Thị Thu Hằng theo học cũng nhận những thí sinh học xã hội học, lịch sử, văn học hay truyền hình. Tuy nhiên, điểm chung của các sinh viên Việt Nam đã trúng tuyển là những trải nghiệm và hoạt động của họ đều hướng tới mục tiêu của chương trình. Điều này được thể hiện qua công việc của bản thân, các nghiên cứu khoa học, các tổ chức/chương trình từng tham gia, và các hoạt động ngoại khoá. Hằng chia sẻ rằng các bạn học của mình “đều là những bạn có kinh nghiệm làm việc với trẻ em, ở trường học, nhà xuất bản, thư viện.” Hay như chị Nguyễn Bảo Linh (Tourism Development and Culture - TourDC), cũng cho rằng việc thí sinh có nền tảng học thuật, đã từng xuất bản, hay có kinh nghiệm làm việc liên quan đến phát triển du lịch, văn hóa, và di sản là một lợi thế lớn. Riêng đối với các bạn định theo học nhóm ngành Kinh tế, các bài luận nghiên cứu cũng đóng góp rất nhiều vào hồ sơ. Đức Đàm (GLODEP) và Vũ Hà Linh (Models and Methods of Quantitative Economics - QEM), đều nhấn mạnh vào tầm quan trọng của các bài luận nghiên cứu khi viết thư động lực cũng như khi được nhận phỏng vấn. Thu Hằng có chia sẻ, EM chỉ là một bước trong một hành trình sự nghiệp của bản thân chị. Hành trình này kéo dài nhiều năm, bắt đầu từ khi chị còn nhỏ và vô thức yêu thích văn học thiếu nhi, cho đến khi lớn lên, theo đuổi niềm đam mê trong lĩnh vực nghiên cứu văn học một cách có ý thức hơn. Nếu như bạn nghĩ EM phù hợp với hành trình của mình, thì bạn nên theo đuổi lấy nó. Và đương nhiên, con đường của mỗi người sẽ khác nhau, nên sẽ có những bạn học hai ngành hoàn toàn trái ngược nhau ứng tuyển vào một chương trình. Và sẽ có những người vừa mới tốt nghiệp và những người đã có kinh nghiệm làm việc 20 năm tham gia trong cùng một năm học. Sinh viên Việt Nam có lợi thế gì và cần cải thiện gì? Đến với EM, sinh viên Việt Nam mang rất nhiều lợi thế. Đất nước Việt Nam nằm ở Đông Nam Á, cách rất xa châu Âu về cả khoảng cách địa lý cũng như văn hoá và tập quán. Các kiến thức xã hội và kinh nghiệm chuyên ngành đều mang nhiều bản sắc Á Đông hơn, rất khác so với các bạn sinh viên nước sở tại từ phương Tây. Như đã nói ở trên, các nhóm ngành KHXH&NV thường ưu tiên sự đa dạng về hồ sơ (profile) của thí sinh nên cũng sẽ tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam hơn. Đàm cũng chia sẻ, trong khi kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh và mạnh, các vấn đề cốt lõi của phát triển như bất bình đẳng giới và thu nhập, nghèo đói, năng lực yếu kém về phát triển khoa học công nghệ, và trách nhiệm xã hội đối với môi trường vẫn còn tồn tại phổ biến. Dù ở bất kỳ nhóm ngành nào, chương trình EM muốn tìm kiếm các ứng cử viên sáng giá nhằm tạo nguồn chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực này tại các đất nước phát triển. Do đó, yếu tố quốc tịch đã là một lợi thế cho các ứng viên Việt Nam. Còn về điều cần cải thiện, Thu Hằng khuyên các bạn nên chủ động đóng góp và đưa ra ý kiến của mình nhiều hơn. Theo Hằng, việc hay sợ sai và dành quá nhiều thời gian chuẩn bị trước khi đóng góp ý kiến có thể khiến cho các bạn tuột mất cơ hội được nói và gây ấn tượng đối với giáo sư và các bạn học cùng chương trình. Chị Trần Phương Mai (Euroculture - Society, Politics and Culture in a Global Context) cũng chia sẻ các bạn Việt Nam nên cải thiện kỹ năng giao tiếp và chủ động mở rộng hơn các mối quan hệ xã hội mà sẽ rất cần cho cuộc sống sau này. Còn đối với hồ sơ ứng tuyển, Bảo Linh hi vọng các bạn sinh sinh viên hãy kiểm tra lại thật kỹ bài luận của mình, về cả sự phù hợp của nội dung và lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp. 3. Kinh nghiệm chuẩn bị Không có thành công nào đến sau một đêm. Để chuẩn bị cho việc ứng tuyển học bổng, mỗi ứng viên sẽ có những kế hoạch khác nhau, điểm chung của hành trình này là sự nỗ lực trong một thời gian dài và đó là sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm. Nếu như Hà Linh, Phương Mai, Thu Hằng chuẩn bị hồ sơ trong một vài tháng (dưới 6 tháng), Đức Đàm lại đặc biệt nổi bật với hành trình ứng tuyển bắt đầu từ những năm đầu của bậc Đại học. Năm 2019, Bảo Linh ứng tuyển lần đầu nhưng chưa thành công. Dành 2 năm để làm dày hồ sơ: bổ sung kinh nghiệm làm việc, tham gia các dự án viết bài xuất bản, các khóa học trực tuyến về Du lịch và Phát triển bền vững, Bảo Linh ứng tuyển lại vào năm 2021 và đến tháng 04/2022, chị nhận được kết quả đậu. Cùng năm 2019, Thu Hằng biết đến chương trình qua việc đọc cuốn EM Guidebook 2018, và tìm kiếm trên Internet với từ khoá “Erasmus Mundus + Children”. Khi đó, Hằng đã làm Truyền thông được 5 năm. Ứng tuyển chương trình trái ngành đầy thách thức, Hằng cũng lờ mờ nhận ra mình đã chuẩn bị cho hành trình này khi còn thơ bé: đó là tình yêu với văn học trẻ em. Hằng cứ nuôi dưỡng việc đọc như thế cho đến một ngày, bắt gặp khoảnh khắc khi một tác phẩm văn học thiếu nhi (bộ Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên) chạm đến trái tim mình. ● “Liệu rằng văn học thiếu nhi có thể chữa lành tâm hồn người lớn, trẻ con, giống như cách nó đã làm với mình trước biến cố cuộc đời?” ● “Liệu rằng ta có thể nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc qua việc đọc văn học?” ● “Liệu rằng có một chương trình học nào đó cho phép mình học về Văn học trẻ em không?” Việc liên tục đặt ra những câu hỏi, quan sát bản thân và xung quanh là cách mà chị Hằng đã gặp được khoảnh khắc với chương trình học trong mơ của mình! Biết đến chương trình này khi còn học cấp 3, Đức Đàm đã giành 4 năm Đại học để chuẩn bị cho hồ sơ ứng tuyển: nỗ lực duy trì GPA đủ tốt, và hoàn thiện kỹ năng nghiên cứu (tham gia và giành giải tại nhiều cuộc thi Nghiên cứu khoa học (NCKH), viết bài báo nghiên cứu trong nước). Những trải nghiệm này đều đến từ sự “tin tưởng, truyền dạy và giao phó” mà các nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm (bao gồm cả giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy) dành cho Đàm. Và người thầy dạy anh cũng là người truyền cho anh ngọn lửa đam mê NCKH: “Mình liên tục được truyền cảm hứng về tầm quan trọng của toán và xử lý dữ liệu trong khoa học cũng như trong nghiên cứu các vấn đề trong đời sống.” Khó khăn trong quá trình chuẩn bị Khó khăn lớn nhất trong quá trình chuẩn bị hồ sơ mà Hà Linh, Bảo Linh và Thu Hằng cùng nhận định chính là bài luận. Với Hà Linh, bài luận cần viết “mạch lạc, rõ ràng, ngắn gọn, thể hiện đủ chất”, Bảo Linh gặp khó khăn khi viết bài luận ứng tuyển TourDC chỉ với 400 từ, “vì mình có nhiều ý muốn thể hiện”. Còn với Thu Hằng, trải nghiệm lần đầu viết luận bằng tiếng Anh và kết nối các yếu tố của hồ sơ thành một câu chuyện là một thử thách: “Thư động lực nói gì về mình, thư giới thiệu bổ sung điều gì, chứng chỉ cho thấy cam kết, mối quan tâm của bản thân như thế nào?”. Với Phương Mai, khó khăn là khi chuẩn bị giấy tờ và xác nhận của trường học ở Việt Nam (ví dụ: xác nhận thứ hạng trong khoa, bảng quy đổi điểm,..) Đức Đàm nhớ như in những khó khăn mình gặp phải trên hành trình ứng tuyển này. Trước khi làm hồ sơ, đó là quyết định gia nhập vào con đường nghiên cứu học thuật bởi nó không chỉ đơn giản là về trao đổi và lĩnh hội tri thức mà còn là câu chuyện về cách ứng xử, và mở rộng mạng lưới cá nhân. Trưởng thành trong từng dự án nghiên cứu (cấp trường và cấp bộ của một số trường đại học tại Việt Nam) với những đồng sự nghiên cứu khác nhau, Đàm dần thay đổi cách suy nghĩ cũng như tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu. Đàm cũng viết bài công bố trên một số tạp chí trong nước và nước ngoài (hiện vẫn đang trong giai đoạn Phản biện). Trong khi làm hồ sơ, Đàm đã có lúc hoảng loạn do làm nhiều thứ cùng lúc trong 2 tháng: hoàn thiện giấy tờ, viết thư động lực, thi IELTS và xin thư giới thiệu, song song với việc đi làm. Sau khi ứng tuyển: khó khăn với Đàm là khi vừa đi làm vừa chuẩn bị phỏng vấn, tham gia phỏng vấn cho cả 3 chương trình về Kinh tế (các vòng phỏng vấn cách nhau 1-2 tuần). “Thời điểm đó mình rất căng thẳng vừa do sức nặng của các hạn chót, công việc mới nhận, và cũng như do áp lực tâm lý trước phỏng vấn tương đối lớn.” - Đàm thật lòng chia sẻ. Lời khuyên Hà Linh, Bảo Linh cùng đồng ý rằng nên chủ động tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Với Hà Linh, chị chủ động liên hệ giáo sư đang làm mảng Khoa học dữ liệu (Data Science) để xin làm trợ lý, làm luận án Đại học liên quan đến chuyên ngành. Còn Hằng cho rằng nên xác định rõ lựa chọn của mình: học thuật (academia) hay môi trường doanh nghiệp (industry), càng sớm càng tốt. Đức Đàm và Bảo Linh cùng đồng ý rằng nên nỗ lực để duy trì một GPA đủ cao. Phương Mai nhấn mạnh việc viết một bài luận thực tế, không lan man. Ngoài ra, các anh, chị cũng chia sẻ thêm về kiến thức chuyên ngành cần thiết cho việc học: ● Hà Linh: Học Toán, đại số tuyến tính (Linear Algebra), Xác suất (Probability) và Thống kê (Statistics). Nếu ngành chính là Kinh tế thì bạn nên có ngành phụ là Toán. ● Bảo Linh: Đăng ký các khóa học trực tuyến về du lịch, phát triển bền vững hay những môn liên quan đến văn hóa, di sản, Corporate Social Responsibility (CSR) - Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong ngành du lịch, phát triển cộng đồng, trên các nền tảng học tập trực tuyến như Coursera, Edx, UNWTO Academy,... ● Thu Hằng: Đọc các tác phẩm văn học thiếu nhi trong và ngoài nước càng nhiều càng tốt. Trau dồi tri thức về văn hoá, lý luận văn học từ phương Đông. ● Đức Đàm: Bổ sung kiến thức nền tảng về nguyên lý kinh tế học cũng như các kiến thức, kỹ năng đặc thù với từng ngành: ● Bảo Linh: Tham gia các hoạt động ngoại khóa/vận động chính sách về các chủ đề liên quan đến du lịch, bảo tồn văn hóa, di sản,... Cùng một số kiến thức, kỹ năng khác: ● Thu Hằng: Trau dồi tư duy, kỹ năng phân tích. Học thêm ít nhất một ngoại ngữ: tiếng Pháp, tiếng Đức… ● Đức Đàm: thể hiện năng lực nghiên cứu hoặc kinh nghiệm làm việc có liên quan đến các yếu tố phát triển (môi trường, năng lượng, sức khỏe, đổi mới sáng tạo, đói nghèo, …) Ứng tuyển trái ngành Hằng ứng tuyển ngành học Thạc sĩ (Văn học Trẻ em) 2 lần trong 2 năm (2019, 2020), khác hoàn toàn so với ngành học Đại học và kinh nghiệm làm việc (Truyền hình, Truyền thông). Ngoài ra, Hằng cũng ứng tuyển với GPA không cao (7.94/10), IELTS vừa đủ (6.5). Cả 2 lần, Hằng chỉ được chọn vào danh sách dự bị. “Khi không ai, không nơi nào đón nhận em, em hoàn toàn có thể tự tạo cơ hội và sân chơi cho chính mình” - câu nói động viên của một người bạn là kim chỉ nam cho Hằng trong lần ứng tuyển thứ 2. Lần này, Hằng thay đổi cách viết bài luận (cách kể chuyện), lựa chọn hướng cho năm học thứ 2, và chủ đề khóa luận dự kiến. Hằng bổ sung hồ sơ bằng việc tham gia các hoạt động liên quan đến sách và trẻ em: tình nguyện trong một thư viện sách tiếng Anh, tổ chức các buổi đọc sách tiếng Anh cho trẻ em ở Hà Nội. “Cơ hội làm việc, chơi với trẻ em, cơ hội tiếp cận sách thiếu nhi cho trẻ em - mình nghĩ đó là hai thứ mà mình đã làm trong hơn 1 năm để đến gần hơn với ước mơ của mình - được học” - Hằng nhấn mạnh. Thật vậy, sự chủ động, nỗ lực hiểu về bản thân (Mình là ai? Mình có năng lực và kỹ năng thế nào? Mình muốn trở thành ai?...) và liên tục trau dồi nâng cao kiến thức - có lẽ đó là chìa khóa cho các bạn có nguyện vọng ứng tuyển trái ngành! B. Quá trình ứng tuyển 1. Thư động lực Thư động lực được coi là một trong những “vũ khí lợi hại” để bạn chiếm được cảm tình của hội đồng học bổng, cũng để họ hiểu hơn về con người bạn, nơi mà chiếc CV chưa biểu đạt được hết. Hiểu theo một cách khác với khái niệm đã được nêu ở chương II của Nhóm Khoa học Tự nhiên, nếu như chiếc CV là bộ xương thì thư động lực sẽ chính là phần cơ để kết nối bộ xương đó lại với một hình hài thật hoàn chỉnh, nơi khắc hoạ nên chân dung của chính bạn. Ở đa số hầu hết các chương trình Erasmus Mundus nhóm ngành Khoa học Xã hội - Nhân văn thì không có vòng phỏng vấn, bởi vậy thư động lực sẽ đóng vai trò giúp bạn giao tiếp hiệu quả với hội đồng tuyển chọn. Những “nhà đầu tư” tìm kiếm gì ở thư động lực của ứng viên? Có một số chương trình sẽ cho bạn các gợi ý mà họ quan tâm ở thư động lực, hãy đọc thật kỹ nó và lập dàn ý trước khi viết. Các nhân vật được phỏng vấn trong ngành Khoa học Xã hội Nhân văn từ Erasmus Mundus năm nay thì cho rằng, thư động lực của họ bao gồm các ý như sau. ● Hồ sơ phù hợp: phần này bao gồm ngành học trước đó, kinh nghiệm làm việc và các hoạt động có liên quan đến chương trình bao gồm hoạt động tình nguyện, trường hè, các cuộc thi, làm việc cho cho các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, đừng cố để “lặp lại” một lần nữa CV của bạn, hãy lựa chọn những điểm nào sáng nhất để kết nối lại và tạo nên con người cá nhân bạn hoàn chỉnh nhất, phù hợp nhất. ● Ví dụ như chương trình Global Markets, Local Creativities (GLOCAL) có yêu cầu cụ thể cho chuyên ngành học đại học của ứng viên với mỗi chuyên ngành (track) được công khai trên website của họ, thì với chương trình Agricultural, Food and Environmental Policy Analysis (AFEPA) - tuy không nói ra nhưng họ luôn có xu hướng chọn sinh viên có nền tảng về Kinh tế để theo học, bởi chương trình học khá thiên về nghiên cứu định lượng. ● Mục đích/động lực tham gia chương trình: ngành học có thể giúp ích thế nào cho con đường sự nghiệp của bạn, hay giải quyết một vấn đề nào đó đang nổi cộm, hay đơn giản là một sở thích hay đam mê từ nhỏ mà bạn đang theo đuổi. Mục đích này sẽ thể hiện sự kỳ vọng của bạn về chương trình bạn muốn theo đuổi. Hội đồng tuyển chọn sẽ cân nhắc cả việc liệu chương trình này có thực sự giúp ích gì cho bạn hay không? Với Đàm, anh cho rằng thư động lực đã thể hiện quan điểm của anh đối với vấn đề phát triển và đặc biệt hơn là về cả một câu hỏi nghiên cứu quan trọng anh ấp ủ sẽ thực hiện ở bậc học cao hơn, mà nếu như không có những kiến thức nền tảng từ chương trình GLODEP, Đàm sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn để thực hiện được những mong muốn ấy. Chương trình GLODEP luôn tìm kiếm các ứng viên có tiềm năng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển. Điều đó có nghĩa, thư động lực của bạn phải chỉ rõ được về mối liên kết giữa hồ sơ của bạn, con người bạn với một vấn đề phát triển nào đó. ● Kế hoạch cá nhân: Bạn có dự định gì trong thời gian học và sau khi tốt nghiệp chương trình? Hãy thể hiện nó thật phù hợp với chân dung ứng viên chương trình đang hướng tới. Một lời khuyên cho các bạn là hãy đọc kỹ website của chương trình để xem họ định hướng nghề nghiệp tương lai cho sinh viên của mình như thế nào. Nhận học bổng từ QEM, Hà Linh chia sẻ trong thư, chị đã viết “QEM sẽ phù hợp với mình như thế nào: nói cụ thể sẽ muốn học những môn nào ở QEM, chương trình sẽ giúp chị được gì cho hiện tại và tương lai như là phát triển hướng nghiên cứu hay đi làm. Kể tên một vài giáo sư đang dạy ở QEM, vào từng khóa học tìm tên giáo sư giảng dạy, và nói muốn theo học họ và muốn làm trợ lý nghiên cứu cho họ”. ● Tại sao bạn xứng đáng nhận học bổng: chương trình thực sự quan tâm bạn liệu có mang lại giá trị nào cho họ. Điều này đôi khi không phải quá to lớn mà chỉ đơn giản là với một hồ sơ thú vị hay những trải nghiệm của bạn sẽ góp phần đa dạng cho chương trình thế nào theo tinh thần EM. Chị Trần Thị Ngân (AFEPA): “Trong thư, mình đã thể hiện rằng mình là một người ham học hỏi và có nhiều trải nghiệm trong ngành Thương mại thực phẩm của Việt Nam qua thời gian đi làm, đi học, tiếp xúc với các doanh nghiệp, tổ chức trong ngành. Với khả năng tham luận của mình (được chứng minh qua việc làm đại sứ tại một số diễn đàn sinh viên), mình sẽ có thể đóng góp cho sự đa dạng của chương trình, đóng góp góc nhìn từ một sinh viên ở nước nông nghiệp như Việt Nam - nơi có Thương mại tự do với EU.” Đừng biến thư động lực thành “tiểu thuyết” cuộc đời bạn Một lưu ý từ các anh/chị EM Alumni là hãy viết thư động lực đủ và ngắn gọn, mạch lạc, súc tích. Có những chương trình sẽ có giới hạn nhất định cho thư động lực như AFEPA với số chữ vỏn vẹn 300 từ, hay GLOCAL lên tới hơn 1000 từ. Dù như vậy, dung lượng mà nhiều Alumni ngành KHXH&NV khuyên dùng là khoảng 400-600 từ (1,5 trang giấy). Các bạn thường viết thư động lực trong thời gian khoảng 2 tháng, vừa viết lại vừa lên ý tưởng cũng như chỉnh sửa. Các bước được học giả EM gợi ý là: Gạch ý (Brainstorming), Sắp xếp và viết thành câu chuyện mạch lạc (Organizing), Chỉnh sửa (Editing/Trimming) cho câu cú thật ngắn gọn, rõ ý. Chiến lược từ những học giả Erasmus Mundus ● Có sự thống nhất: tất cả các bước ngoặt cuộc đời của bạn đều cần hướng tới một mục tiêu cụ thể, và chương trình này là bước đi hoàn hảo để thực hiện mục tiêu ấy. Vậy nên bài luận cũng cần thống nhất trong từng đoạn văn, kết nối được các điểm từ CV của bạn, thể hiện bạn đã chuẩn bị cho mục tiêu ấy thế nào. ● Tìm hiểu thật kỹ chương trình: họ đang tìm ứng viên như thế nào, các môn học dạy gì, các trường Đại học tham gia có thế mạnh gì, tìm hiểu càng sâu thì sẽ càng dễ điều chỉnh bài luận của mình theo hồ sơ họ yêu cầu. ● Nhắc tên những giáo sư có tiếng mà mình đã từng làm việc cùng để tăng uy tín cho bản thân: “Trong giới học thuật, họ thường biết hết tên nhau. Người này có thể là người viết thư giới thiệu, hoặc là người khác có mối quan hệ sâu sắc để hiểu rõ bạn” - Hà Linh chia sẻ. ● Tìm người cố vấn: đó có thể là các anh chị từ chính chương trình của mình hoặc khác, nhưng chỉ nên có từ 1-2 người cố vấn, tránh việc đẽo cày giữa đường, không biết phải theo ai. Hãy lên kế hoạch cá nhân trước khi đi tìm anh chị giúp góp ý bài luận cho mình. Mentor sẽ là người giúp bạn giữ động lực trong một khoảng thời gian dài “săn học bổng” và sẽ cho bạn những góc nhìn, trải nghiệm của họ. ● Tìm ý tưởng bài luận: Hãy đọc thật nhiều về ngành học của bạn, về những chủ đề nghiên cứu gần đây xem họ đang thực sự quan tâm đến chủ đề gì, lựa chọn chủ đề đó đưa vào bài luận của bạn. Ví dụ như thời gian gần đây, người ta nhắc nhiều đến 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Vậy ngành học của bạn, sự nghiệp tương lai của bạn sẽ giúp bạn thế nào trong đóng góp mục tiêu chung của chúng ta đến năm 2030? Về kinh nghiệm lấy ý tưởng, chị Hằng chia sẻ “Trong khoảng thời gian đó, mình đã từng tìm đọc các bài luận mẫu, suy nghĩ về câu chuyện của bản thân, về động lực và khát khao muốn theo học chương trình về Văn học trẻ em, về những điều mà mình tin rằng, nếu mình được đi học thì cuộc đời của mình sẽ có đổi thay và mình có thể đóng góp trở lại chút nào đó cho những đứa trẻ từ Việt Nam.” Những điều nên nhớ để có một kỳ “gọi vốn” thành công Như đã nói đến ở chương II, Nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, thứ nhất, việc lặp lại bản thân như bản miêu tả CV là không cần thiết, hãy chỉ nói những gì mà CV chưa nói được về con người bạn. Thứ hai, đừng viết dài dòng, viết thừa và không có trọng tâm. Có nhiều ý mà được kể đến ở trên nhưng không nên đưa tất cả vào bài luận để rồi ý nào cũng chưa rõ, và không để lại ấn tượng gì. Không nên kể lể về các khóa học, bằng cấp mình đã học, các câu chuyện cá nhân mà không liên quan đến ngành học. Mỗi một câu chuyện kể ra đều phải giúp bạn thể hiện điều gì đó, nếu không: hãy bỏ nó đi. Bởi mỗi chương trình hàng năm có đến vài trăm người nộp, không ai có đủ kiên nhẫn để ngồi đọc một lá thư dài miên man mà không rõ người viết muốn gì. Bởi vậy, quay lại gợi ý bên trên của chúng mình, khoảng 400-600 từ? là phù hợp. Tiếp theo, đừng nói mà không có dẫn chứng. “Ví dụ như bài luận của mình nộp cho AFEPA, nếu mình nói mình sẵn sàng đóng góp sự đa dạng cho chương trình bằng việc tham gia tham luận hiệu quả trong các lớp học của họ, mình đã thể hiện mình làm tốt nó từ chính CV của mình. Không hề nhắc lại nhưng cần phải “nói có sách, mách có chứng” - Ngân chia sẻ. Hãy tưởng tượng xem giống như việc bạn nói bạn rằng bản thân có nhiều kinh nghiệm và đam mê với lĩnh vực nghiên cứu nhưng lại chưa từng tham gia dự án nghiên cứu, cuộc thi, không có công bố khoa học, làm sao để “những nhà đầu tư” ấy có thể tin được bạn? Cuối cùng, đó là đừng quá thật thà, không dám tô vẽ tương lai. Hà Linh cho rằng bạn đừng ngại “chém gió”, ngay cả khi bạn không biết tốt nghiệp xong bạn sẽ là ai, sẽ làm gì, bạn vẫn có thể viết rằng chương trình đó là một bước đệm cho một vị trí nào đó (như học Tiến sĩ) chẳng hạn, bởi không hội đồng tuyển sinh nào muốn trao học bổng cho một người mà đến mình muốn gì cũng không biết. Nếu lỡ bạn chưa biết mình sẽ là ai trong nhiều năm tới, hãy vờ như bạn có nó và dần dần biến nó thành hiện thực (“Fake it until you make it”). Điều đáng nhớ nhất trong thời gian viết luận Bài luận có thể coi là thành phần tốn công ngốn sức nhất trong quá trình làm hồ sơ, tuy vất vả nhưng lại mang nhiều trải nghiệm đáng nhớ và thú vị. Chia sẻ về hành trình này, Hằng kể: “Điều đáng nhớ nhất trong khoảng thời gian viết luận chính là việc mình có kết nối trở lại với chính mình, và mình hiểu bản thân mình hơn qua từng dấu mốc, câu chuyện cuộc đời. Mình bỗng nhận ra mình hữu duyên bắt gặp một cuốn sách tranh cho trẻ con từ khi còn bé; sự ảnh hưởng từ những cuốn sách thiếu nhi đến bản thân qua một vài cột mốc, biến cố trong cuộc sống – sách đã chữa lành những tổn thương trong mình thế nào. Mình hiểu hơn về tính cách của bản thân, về tuổi thơ của mình, về những lựa chọn của mình mà có liên kết với trẻ em và sách thiếu nhi”. 2. Thư giới thiệu Cũng giống như những khối ngành khác, một số nguyên tắc và lưu ý cơ bản cho thư giới thiệu của các chương trình khối ngành KHXH & NV cũng có nhiều điểm tương đồng: (i) chọn người phù hợp, có thể giúp tạo ảnh hưởng cho bộ hồ sơ của bạn, (ii) đem đến các góc nhìn vừa thống nhất, vừa chân thực và vừa đa dạng về bản thân bạn. Phần lớn chương trình ngành KHXH & NV yêu cầu 2 thư giới thiệu đến từ thầy cô giáo/ cộng sự nghiên cứu (academic reference). Tuy nhiên, tùy vào đặc điểm mỗi chương trình mà cũng sẽ có những yêu cầu cụ thể khác nhau, vì vậy các ứng cử viên cần tìm hiểu thật kỹ thông tin từ chương trình của mình. Một số những chia sẻ cụ thể từ những học giả ngành KHXH & NV: Hà Linh và Phương Mai khuyên rằng thư giới thiệu nên xin từ giảng viên trực tiếp của mình, hoặc sếp trực tiếp cho những người đã tốt nghiệp và đi làm một thời gian. Như thư giới thiệu của Hà Linh đến từ (i) thầy/cô hướng dẫn cho luận án tốt nghiệp, đúng ngành của QEM, và (ii) một giảng viên ngoài ngành nhưng có ấn tượng tốt với Hà Linh trong quá trình đi học. Tuy nhiên nếu có thể Hà Linh và Phương Mai đều khuyên các bạn ứng viên chọn được 2 người trong ngành để viết thư giới thiệu. Bảo Linh chia sẻ rằng chương trình của chị yêu cầu rõ ràng 2 thư giới thiệu liên quan đến học thuật (academic references) nên Bảo Linh có nhờ 2 người thầy cô vô cùng thân thiết viết thư giới thiệu: một người là Trưởng khoa du lịch trường đại học của Bảo Linh (người Đức, là tiến sĩ); một người là Trưởng khoa Du lịch học trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội (người Việt Nam, là Phó giáo sư Tiến sĩ - tuy không dạy Bảo Linh nhưng thầy từng là cố vấn trực tiếp trong một dự án xã hội của Bảo Linh). Chương trình CLMC của Thu Hằng cũng yêu cầu 2 thư giới thiệu học thuật. Tuy nhiên, do Hằng ứng tuyển Thạc sĩ khi đã ra trường 4 năm, Hằng đã chọn 1 thầy hướng dẫn khóa luận và 1 người sếp khi đó của mình để viết thư giới thiệu. Cả Bảo Linh và Thu Hằng đồng ý rằng thư giới thiệu có “sức nặng” là khi nó làm rõ được tính điển hình của ứng viên với thầy cô, sếp để họ giúp bạn thể hiện con người bạn; tính liên kết (với thư động lực). Thư được viết bởi những người hiểu bạn, có chuyên môn, và nếu đảm đương chức vụ cao và có tên tuổi/tầm ảnh hưởng trong ngành của bạn cũng là một lợi thế. Trong trường hợp của Đàm, anh đã xin 3 thư giới thiệu, 2 thư từ chính 2 giáo viên tại trường (1 người đã chỉ dạy Đàm nhiều thứ về phương pháp lượng trong nghiên cứu, 1 người là cộng sự nghiên cứu của Đàm trong vài dự án khoa học). Bức thư còn lại là từ sếp của Đàm, cũng là trưởng dự án nghiên cứu mà Đàm đang thực hiện với một trường đại học khác. Một chia sẻ rất hay từ Đàm về mặt thống nhất của các thư giới thiệu trong cùng một bộ hồ sơ: “Các thư giới thiệu cần nói về các khía cạnh khác nhau của bạn mà khi ghép chúng lại, hội đồng xét tuyển sẽ nhìn thấy sự trùng khít giữa cái nhìn khách quan từ người khác với chiếc CV tự khai và thư động lực của bạn. Trong trường hợp của mình, một thư giới thiệu từ sếp trong dự án nghiên cứu đã làm nổi bật được sự thống nhất trong việc lựa chọn hướng đi nghề nghiệp của mình từ trước khi ra trường cho đến sau tốt nghiệp, cũng như đem đến một khía cạnh mới về đạo đức nghề nghiệp của chính bản thân mình, bên cạnh việc thể hiện sự nỗ lực trong học tập và rèn luyện trên ghế nhà trường như đã nêu trong CV và thư động lực.” 3. Vòng phỏng vấn Có lẽ trong bất cứ hành trình chinh phục học bổng nào, vòng phỏng vấn lúc nào cũng là vòng để lại nhiều cảm xúc cho các ứng viên. Phần lớn những năm trước đây, các chương trình trong khuôn khổ EM đều dừng lại ở việc xét duyệt hồ sơ và bài luận; tuy nhiên, xu hướng những năm trở lại đây với các ngành khoa học xã hội, đặc biệt là khối ngành kinh tế, vòng phỏng vấn lại được đưa thêm vào như một phần của quy trình xét tuyển nhằm phân tách các ứng viên sẽ được chấp nhận học theo diện tự túc (self-funded) và theo diện nhận học bổng (scholarship holders). Tác giả Trang Ami trong cuốn “Du học từ A-Z” đã gọi đây là “vòng đối đầu” có lẽ là bởi những căng thẳng, lo lắng mà vòng tuyển chọn này đem đến cho các ứng viên. Sau đây, cùng theo bước các sinh viên Erasmus Mundus tìm hiểu và lý giải một số băn khoăn về vòng phỏng vấn trong các ngành Khoa học xã hội & Nhân văn nhé. Tại sao cần có vòng phỏng vấn? Cùng với CV, bài luận động lực, thư giới thiệu, vòng phỏng vấn được chị Bùi Thị Thuỳ Linh (Economics of Globalisation and European Integration - EGEI) miêu tả như một cách thức để biến bức chân dung mà bản thân ứng viên xây dựng thông qua bộ hồ sơ thành “một bức tranh 3D nhiều chiều cạnh và chân thực”. Thuỳ Linh cũng chia sẻ thêm, một chương trình thông qua vòng phỏng vấn, muốn thấy được ở ứng viên 5 điều: động lực mạnh (motivation), tính phù hợp (appropriateness), tiềm năng (potential), có bản sắc riêng (identity), và sự chân thực (actuality). Đối với những gì đã viết trong CV và hồ sơ xin học bổng, phỏng vấn cũng là cơ hội để hội đồng tuyển sinh xác minh tính chân thực của những thông tin này. Do đó, ứng viên nên nghiên cứu lại thật kỹ CV và thư động lực, nhằm thể hiện một cách chính xác, đầy đủ “chân dung” của bản thân trong buổi phỏng vấn. Đàm cũng chia sẻ rằng, ngoài việc kiểm tra mức độ chân thực của hồ sơ thì kiến thức chuyên ngành, sự tự tin và quan trọng là khả năng biện luận, xử lý vấn đề cũng là những điều mà các chương trình mong muốn tìm kiếm ở các ứng viên giàu tiềm năng. Sẽ có nhiều câu hỏi gây bất ngờ diễn ra trong quá trình phỏng vấn, đòi hỏi ứng viên phải có tư duy xử lý nhanh nhạy cũng như khả năng biện luận một cách khoa học và hợp lý, đúng trọng tâm. Thể hiện được những điều này giúp ứng viên nổi bật được những tiềm năng của bản thân, cũng như thuyết phục được hội đồng tuyển sinh về năng lực của chính mình. Đối với các chương trình trực thuộc EM, mục tiêu đa dạng về văn hóa cũng được chú trọng, vì thế phỏng vấn cũng là dịp để chương trình biết thêm về trải nghiệm ngôn ngữ và văn hóa của từng ứng viên, điều mà có thể không được thể hiện một cách rõ ràng thông qua vòng hồ sơ. Chuẩn bị phỏng vấn như thế nào? Có lẽ, vào tới vòng “đối đầu” trực tiếp thì bất cứ ứng viên nào cũng đều trải qua một chút cảm giác lo lắng, hồi hộp. Đàm trải lòng: “Việc chuẩn bị phỏng vấn đối với mình nặng nề nhất là về mặt tâm lý khi mình biết mình sắp phải đối mặt với một phần thử thách chuyên biệt nơi mà mọi cử chỉ, hành động, lời nói đều được theo dõi sát sao.” Do đó, yếu tố tâm lý cần được đặt lên hàng đầu. Một tâm lý thoải mái sẽ đảm bảo được sự minh mẫn tuyệt đối cho trí óc cũng như lên dây cót tinh thần chuẩn bị cho các câu hỏi hay những tình huống bất ngờ trong phòng phỏng vấn. Vòng phỏng vấn cũng là nơi ứng viên thể hiện rõ nhất động lực chính yếu của bản thân khi đến với chương trình. Vì vậy, thật tuyệt vời khi chúng ta có thể lan tỏa được ý chí quyết tâm mạnh mẽ đến với hội đồng xét tuyển, chứng minh cho họ thấy bản thân có khát khao và xứng đáng như thế nào khi được lựa chọn vào chương trình. Thuỳ Linh gợi ý một giai điệu hay trước ngày phỏng vấn cũng có thể thắp lửa một tinh thần chiến binh, mang đến sự tự tin đến “một cô gái Việt Nam nhỏ bé mong muốn đạt được những điều phi thường”. Bên cạnh đó, Thuỳ Linh cũng chia sẻ việc chuẩn bị từ sớm sẽ là một cơ hội tốt để ứng viên có thể có một buổi phỏng vấn thành công. Ứng viên có thể kết nối với các cựu sinh viên đi trước, hoặc các cố vấn học bổng để giúp tư vấn các câu hỏi, tìm lại các bài chia sẻ về kinh nghiệm và câu hỏi phỏng vấn từ các năm trước để ghi chép lại, từ đó có thể tự soạn sẵn một bộ câu hỏi dự phòng. Mặc dù việc kết nối và chuẩn bị câu hỏi vô hình chung cũng chỉ mang tính chất tương đối, vì theo Đàm chia sẻ, hầu hết các câu hỏi mỗi năm đều có sự thay đổi, và gần như chẳng có bất cứ một sự trùng lặp nào cả (ngoại trừ câu hỏi về giới thiệu bản thân), tuy nhiên, các cựu sinh viên Erasmus Mundus đều đồng ý rằng có thể coi việc tham khảo này như một bài kiểm tra khả năng ứng biến của mình trước những câu hỏi phỏng vấn được đưa ra. Chìa khóa để dẫn tới thành công của Thuỳ Linh đó là chuẩn bị tất cả các câu trả lời dựa trên các câu hỏi thu thập được, đồng thời liên tục thực hành và làm phỏng vấn thử (mock interview). Nhờ vậy mà ứng viên sẽ có cơ hội được cọ sát nhiều hơn với các tình huống trong vòng phỏng vấn cũng như giảm bớt xác suất rơi vào các tình huống bất ngờ. Thuỳ Linh cũng cho biết nên tận dụng cơ hội lúc làm hồ sơ để chuẩn bị cho vòng phỏng vấn, bởi lẽ mỗi dòng, mỗi chữ được viết ra trong CV, bài luận và cả thư giới thiệu đều có thể trở thành các câu hỏi quan trọng trong buổi phỏng vấn. Vì vậy, bản thân ứng viên trong khi cân nhắc về những thông tin được trình bày trong hồ sơ cũng có cơ hội được hiểu hơn về chính mình, được phép đặt mình vào vị thế của người phỏng vấn để xem họ muốn biết gì ở mình, từ đó nắm bắt và xây dựng được câu chuyện của bản thân, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho quá trình phỏng vấn. Đàm nhấn mạnh “Đây là vòng phỏng vấn cá nhân, nghĩa là mọi câu hỏi được đưa ra đều đi sâu vào chính bạn, và về chính hồ sơ của bạn”. Do đó, câu hỏi không những thay đổi theo năm mà còn có sự khác biệt theo từng ứng viên nữa. Hãy “học CV” thật kỹ trước khi tham gia phỏng vấn”. Một số chương trình về kinh tế, điển hình như GLODEP sẽ có thêm phần kiểm tra kiến thức nguyên lý kinh tế học trong vòng phỏng vấn. Vì vậy, những ai mong muốn theo đuổi chương trình này cũng phải đảm bảo nắm vững được các nguyên lý kinh tế cơ bản thông qua việc ôn tập lại các sách giáo trình về Kinh tế học. Đàm chia sẻ hãy sử dụng các cuốn sách mà chương trình chỉ định như một cẩm nang hướng dẫn hữu hiệu cho quá trình ôn tập. Hãy lên thời gian ôn tập sao cho hiệu quả vì phạm vi kiểm tra rất rộng, bao gồm hầu hết các chủ đề cơ bản của nguyên lý kinh tế học vi mô và vĩ mô, nên ứng viên cần chuẩn bị tâm lý thật vững vàng trước khi ôn tập và quan trọng hơn cả là đừng bao giờ bỏ cuộc. Ngoài ra, ở mỗi phần phỏng vấn thông thường sẽ có phần đặt câu hỏi của ứng viên đối với chương trình, vì vậy, ứng viên nên chuẩn bị và bỏ túi một vài câu hỏi cho hội đồng tuyển sinh. Một lời khuyên được đưa ra đó là hãy đặt các câu hỏi cho hội đồng một cách thông minh vừa để thể hiện sự quan tâm, đầu tư cũng như “thành ý” theo đuổi của bản thân đối với chính chương trình dự định theo học. Điều này sẽ vừa giúp tăng tính tương tác, đồng thời chứng minh được tiềm năng của ứng viên đó đối với hội đồng xét tuyển. Các câu hỏi có thể xoay quanh cách chọn giáo viên hướng dẫn khi làm luận văn, về nội dung môn học hoặc chủ đề nghiên cứu trong tương lai, cơ hội thực tập và việc làm sau tốt nghiệp cũng như sự hỗ trợ của chương trình đối với việc học tập, visa, nhà ở, … Không nên đặt các câu hỏi thừa thãi hoặc không mang tính xây dựng vì điều đó có thể làm mất điểm trong mắt hội đồng xét tuyển. Thực chiến vòng phỏng vấn… Tùy theo mỗi chương trình mà vòng phỏng vấn sẽ được tổ chức khác nhau với các phần khác nhau, thời lượng cũng khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu xem các ứng viên đi trước miêu tả tiến trình diễn ra tại vòng phỏng vấn của các anh chị ấy như thế nào nhé! Đàm (GLODEP) chia sẻ về trải nghiệm phỏng vấn của mình: “Tựu chung, vòng phỏng vấn của chương trình sẽ gồm 5 phần, diễn ra trong vòng 20 phút, với hội đồng gồm 3 người đến từ ba trường thành viên của chương trình. Phần 1, hay là phần tổng quan, tại đó 4 mục hỏi chính sẽ là về tự giới thiệu bản thân, động lực lựa chọn GLODEP mà không phải các chương trình EM khác, chứng minh tại sao bạn lại là ứng cử viên mạnh của chương trình, đánh giá chung về chương trình và đóng góp của bạn đối với chương trình đó. Phần 2 là phần kiểm tra kiến thức kinh tế. Tại Phần 3 của buổi phỏng vấn, mình được yêu cầu trình bày về dự án mình làm để tham dự cuộc thi Olympic Kinh tế lượng và Ứng dụng - năm 2020, tại đó mình phải nêu ra các tóm tắt chính về (i) Mục tiêu của nghiên cứu, (ii) Điểm mới của nghiên cứu, (iii) Phương pháp thực hiện, (iv) Các kết quả chính và lý giải. Phần trả lời theo các ý như trên cũng không nhận thêm bất kỳ một câu hỏi nào thêm từ phía hội đồng xét tuyển. Phần 4, hay còn gọi là phần kết, mình được hỏi thêm về kinh nghiệm làm việc quốc tế, những cảm nhận của bản thân về khó khăn trong một chương trình Erasmus Mundus, và sự chuẩn bị của mình để có thể theo học chương trình này. Và cuối cùng Phần 5, là phần mình sẽ đặt câu hỏi cho hội đồng về những băn khoăn của bản thân. Cuộc phỏng vấn tuy dài nhưng cảm nhận của mình là diễn ra rất chóng vánh. Quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng và một trí óc đủ minh mẫn để đối mặt với các câu hỏi khác nhau về chính bản thân mình.” Thùy Linh (EGEI) cũng có những chia sẻ rất chân thật: “Hội đồng phỏng vấn của mình hôm đó có 5 người đến từ 5 trường thành viên trong chương trình EGEI. Lúc đầu mình hơi bất ngờ vì không nghĩ sẽ có nhiều người đến thế. Mỗi thầy sẽ hỏi các câu hỏi khác nhau đủ mọi khía cạnh trong hồ sơ đến những câu hỏi về kỹ năng mềm như khả năng làm việc nhóm vì mình có quãng thời gian làm ở viện nghiên cứu trước đó và có công bố bài báo (đã được ghi trong CV) nên có thầy hỏi rất sâu về phương pháp (methodology) và kết quả (results) của bài nghiên cứu đó.” … và câu hỏi khiến cho bạn ấn tượng nhất !!! “Phần 2, kiểm tra kiến thức kinh tế. Đây là phần khiến mình (Đức Đàm) ấn tượng nhất trong vòng phỏng vấn. Ngoại trừ việc giọng của cô người Pháp phỏng vấn mình tương đối khó nghe do vấn đề lắp đặt âm thanh phòng cô hôm đó và mình phải hỏi lại câu hỏi 3 lần, mình rất ấn tượng về cách hỏi phần kiểm tra kiến thức kinh tế trong năm nay. Khác với các năm trước, ứng viên sẽ được hỏi các câu hỏi ngẫu nhiên về các khái niệm khác nhau trong kinh tế học, năm nay chương trình đã yêu cầu ứng viên trình bày về MỘT CHỦ ĐỀ trong kinh tế vi mô (microeconomics) đã được học tại bậc cử nhân. Mình lúc nghe được câu hỏi cũng mắt tròn mắt dẹt vì câu hỏi rất lớn và rộng, có tính bao trùm về kiến thức. Để diễn giải về một chủ đề lớn, bạn không chỉ nêu khái niệm kinh tế học có sẵn, mà còn phải diễn giải cơ chế, tính chất, các công thức, hàm ý và có thể là giải pháp liên quan được đề xuất. Nói cách khác, câu hỏi không khác gì yêu cầu bạn phải trình bày các đề mục của một bài học trong kinh tế học. Dạng câu hỏi này không chỉ để kiểm tra mức độ hiểu sâu của kiến thức, mà còn nằm ở kĩ năng lựa chọn vấn đề để giải thích, cách thức giải thích ngắn gọn, dễ hiểu và đúng trọng tâm. Hôm phỏng vấn mình đã nói về Ngoại ứng (Externalities). Ngoài trình bày về các khái niệm quan trọng (ngoại ứng, ngoại ứng tiêu cực, ngoại ứng tích cực), mình phải diễn giải bằng lời cơ chế trên đồ thị về tác động của ngoại ứng lên điểm cân bằng của thị trường, cũng như đưa ra hai hướng giải quyết lý thuyết cho vấn đề mất không trong xã hội (Deadweight loss) bằng phương án áp dụng thuế và trợ cấp Pigou tương ứng cho 2 loại ngoại ứng đã nêu trước đó. Bài trình bày của mình không có thêm bất cứ một câu hỏi thêm nào cả từ phía hội đồng.”, Đàm (GLODEP) chia sẻ. Đối với Thùy Linh (EGEI), câu hỏi ấn tượng nhất là “câu hỏi về phương pháp thực hiện trong bài nghiên cứu của mình. Thầy ấy hỏi rất sâu, và chi tiết về dữ liệu mình dùng và xử lý như thế nào nữa, như lúc mà mình đang bảo vệ đề tài luôn. Vì mình làm đề tài đó cũng mấy năm về trước, nên mình cũng không nhớ rõ chi tiết. Cũng may là mấy tiếng trước khi phỏng vấn, mình đọc lại danh sách các câu hỏi phổ biến mình đã chuẩn bị, thấy thiếu thiếu cái gì đó nên mới đọc lại, bổ sung thêm tóm tắt các bài nghiên cứu mình đã thực hiện trước đó. Các câu hỏi của mình có thể không giống với các bạn ứng viên khác, tuy nhiên, mình nghĩ bài học mình nhận được là hiểu rõ bản thân mình, kể cả những chi tiết nhỏ bạn đã ghi trong hồ sơ.” Các chiến lược cần lưu ý để làm rõ chân dung bản thân trong vòng phỏng vấn Đối với hội đồng học bổng nào thì phần đầu tiên cũng sẽ dành cho ứng viên từ 3 đến 5 phút để giới thiệu về bản thân. Nhiệm vụ của ứng viên đó là hãy biến vài phút ngắn ngủi đó trở nên thật ấn tượng. Thay vì nói những điều hiển nhiên trong CV, hãy để họ ấn tượng bởi quan điểm cá nhân, hoặc làm sáng rõ đam mê của bản thân. Ngoài ra, Thuỳ Linh cũng nhấn mạnh có thể tận dụng để cắm các chi tiết giúp dẫn đến các câu hỏi theo sau mà ứng viên muốn người phỏng vấn hỏi, từ đó có thêm cơ hội thể hiện được bản thân nhiều hơn. Hãy ghi chép và chuẩn bị thật tốt phần giới thiệu này, luyện tập thật nhiều lần, nhuần nhuyễn, cố gắng để phần giới thiệu thật cô đọng, súc tích. Tiếp theo, hãy tái hiện lại chân thật nhất những gì mà ứng viên đã đưa vào CV và bài luận của bản thân. Ví dụ, để thể hiện bản thân là một người đi theo định hướng nghiên cứu học thuật chuyên sâu, trước những câu hỏi về trình bày dự án nghiên cứu, ứng viên phải thực sự thể hiện được cho hội đồng thấy mình am hiểu tường tận về các vấn đề được đặt ra trong dự án nghiên cứu của mình. Đối với các ý hỏi về điểm mạnh, cần gọi tên được điểm mạnh đó thành một từ, sau đó tập trung vào sử dụng các chứng cứ (chính là các những kết quả công việc cụ thể mà ứng viên đạt được thông qua điểm mạnh đó) để đi sâu vào mô tả điểm mạnh đó một cách thuyết phục nhất. 4. Những lưu ý khác Tốt nghiệp hạng giỏi Đối với khối ngành khoa học xã hội nhân văn thì tốt nghiệp hạng giỏi không phải là khó, ngoài việc chú ý nghe giảng thì các bạn sinh viên cần phải tích cực tham gia các hoạt động trên lớp để có thêm điểm cộng. Khối ngành này cần những bạn hoạt bát, có tố chất lãnh đạo và thật sự tích cực vì vậy ngoài việc chú trọng vào GPA trên lớp, các bạn còn cần tích cực hơn tham gia các dự án bên ngoài để tạo điểm mạnh cho hồ sơ. Chứng chỉ IELTS/TOEFL và một số ngôn ngữ khác Cũng như các khối ngành khác, việc sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ từ sớm có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho các bạn. Theo như Đàm chia sẻ: “ Mình đã có nền tảng ngoại ngữ tương đối tốt từ bậc học trước, cũng như có kinh nghiệm tham gia các kỳ thi quốc tế như IELTS, nên việc quay lại ôn tập thi IELTS trước khi ứng tuyển không phải là khó khăn đối với mình. Mình chỉ mất 2 tuần để ôn thi và đặt lịch thi sát do vấn đề công việc”. Có thể thấy rằng việc quan tâm tới tiếng anh ngay từ bậc trung học và phổ thông đóng vai trò vô cùng quan trọng vì nó có thể giúp giảm bớt gánh nặng về tiếng anh trong quá trình ứng tuyển và sẽ không bị mất quá nhiều thời gian. Ngoài ra, Đàm còn chia sẻ thêm: “Do lịch thi gấp và thời gian chuẩn bị cho lần thi thứ 2 này không có quá nhiều nên mình không đặt mục tiêu quá cao về điểm số mà chỉ đạt ở mức đủ để ứng tuyển. Kỹ năng tiếng anh sẽ được thể hiện rất rõ qua quá trình phỏng vấn, nên IELTS sẽ không có quá nhiều ảnh hưởng cho kết quả đầu ra, mà chỉ như một điều kiện tiên quyết để xét chọn hồ sơ”. Có thể thấy rằng đối với hồ sơ apply học bổng, tiếng anh được coi là công cụ để giao tiếp, để tiếp thu kiến thức học thuật từ nước ngoài được dễ dàng và thuận tiện. Tuy nhiên, nếu các bạn có nhiều thời gian thì nên đặt lịch thi từ sớm ít nhất là trước 3 tháng vì nếu đợt thi đầu chưa đạt được kết quả như mong đợi, các bạn sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị cho đợt thi thứ 2 và đặc biệt hãy thi IELTS sớm nhất có thể để không vì nó mà ảnh hưởng tới việc chuẩn bị những thứ khác. Điều mà bạn mong muốn trước khi đi học Theo chia sẻ của Hằng: “Mình ước là mình đã thành thục kỹ năng quản lý thời gian, quản lý cảm xúc của bản thân, kỹ năng lập kế hoạch, tập trung cao trong những việc mình làm”. Có thể nói đây là một kỹ năng vô cùng quan trọng, trước hết, nó có thể giúp thích nghi tốt hơn với môi trường học tập mới, ngoài ra việc quản lý thời gian, và cảm xúc bản thân tốt còn giúp việc hoàn thành bài tập trên lớp trở nên dễ dàng. “Bạn mình từng nói trước khi đi học, mình chỉ nên đọc thật nhiều tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới với niềm yêu thích hứng thú. Mình chẳng thực sự tin điều đó lắm. Mình cũng đọc, nhưng chỉ lướt và lắm khi không hoàn thành cuốn sách. Khi thực sự vào học trong chương trình, việc đọc và viết bài cuốn mình đi, những cuốn sách vẫn còn dang dở. Mình không sắp xếp thời gian tốt để hoàn thiện cuốn sách. Do đó, mình nghĩ giá mà mình đã tập trung trong hiện tại (khi đó) và làm nó, hoàn thành nó tốt hơn. Mình cũng mong là mình đã biết cách tư duy phân tích văn bản, tư duy lập luận, trình bày vấn đề trước khi mình đi học. Việc học trước đó của mình vẫn chủ yếu là ngợi ca tác phẩm, chỉ ra cái hay cái đẹp, vẫn chỉ là nói suông mà thiếu lý thuyết. Đó thực sự là trải nghiệm của mình trong quá khứ” Hằng trải lòng. Qua những kinh nghiệm mà Hằng chia sẻ lại thì có thể rút ra một điều rất rõ rằng việc nắm được trước những kiến thức đã học cũng như sự chuẩn bị kỹ càng cho năm học mới vô cùng quan trọng. Sự chuẩn bị không những về kiến thức mà còn về cả cách sống và làm việc. Tất cả sẽ tạo nên một khả năng thích nghi tốt, làm việc tốt và mang lại hiệu quả cao. IV. Ứng tuyển vào các chương trình nhóm ngành Kỹ thuật Công nghệ A. Xây dựng hồ sơ 1. Hồ sơ ứng viên tham khảo 1, Họ và tên: Nguyễn Hồng Hải Chương trình học: Nanoscience & Nanotechnology (EMM-Nano) Quốc gia theo học: Bỉ, Đức Niên khoá: 2021-2023 Đại học - chuyên ngành: Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore - Khoa học Vật liệu (Materials Science) GPA: 4.7/5.0 2, Họ và tên: Đỗ Thùy Linh Chương trình học: International Master in Innovative Medicine (IMIM) Quốc gia theo học: Hà Lan, Thuỵ Điển, Đức Niên khoá: 2020-2022 Đại học - chuyên ngành: Đại học Hoàng gia Kyushu, Nhật Bản - Hoá sinh (Bioresource and Bioenvironment - Biochemistry) GPA: 3.87/4.0 3, Họ và tên: Trần Trà My Chương trình học: Food Innovation and Product Design (FIPDes) Quốc gia theo học: Pháp, Ai-len, Ý, Thuỵ Điển Niên khoá: 2022-2024 Đại học - chuyên ngành: Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) - Khoa học và Công nghệ thực phẩm (Food Science & Technology) GPA: 3.5/4.0 4, Họ và tên: Hoàng Văn Nhất Chương trình học: Smart Systems Integrated Solutions (SSIS) Quốc gia theo học: Phần Lan, Na Uy và Hungary Niên khoá: 2022-2024 Đại học - chuyên ngành: Đại học Công Nghệ ĐHQG Hà Nội (UET-VNU) - Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông (Electronics Engineering Technology – Communication) GPA: 3.61/4.0 5, Họ và tên: Nguyễn Phương Mẫn Tuệ Chương trình học: World Textile Engineering Advanced Master (WE-TEAM) Quốc gia theo học: Bỉ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Thuỵ Điển Niên khoá: 2022-2024 Đại học - chuyên ngành: Đại học Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh (BKHCM) - Công nghệ may (Garment Technology) GPA: 7.89/10 2. Chân dung ứng viên phù hợp Tiêu chí xét tuyển Nền tảng chuyên môn vững: Do Erasmus Mundus là học bổng tài năng (merit-based), các chương trình đều yêu cầu ứng viên có kiến thức cơ bản tốt về ngành học Thạc sĩ (thể hiện qua thành tích học tập bậc Cử nhân) hoặc chứng tỏ được năng lực, hiểu biết chuyên môn qua thành tựu, kinh nghiệm làm việc. Chị Nguyễn Phương Mẫn Tuệ (World Textile Engineering Advanced Master - WE-TEAM) và chị Đỗ Thuỳ Linh (Innovative Medicine - IMIM) đều đồng ý rằng hồ sơ phải thể hiện được sự liên quan trong bằng cấp/nghề nghiệp/định hướng tương lai đối với chương trình. Trong trường hợp trái ngành học ở bậc Cử nhân, theo chia sẻ của anh Hoàng Văn Nhất (Smart Systems Integrated Solutions - SSIS), ứng viên được yêu cầu gửi kèm mô tả của từng môn học để đảm bảo sự phù hợp khi được chọn trao học bổng. Chính vì tiêu chí này, đạt được điểm số cao tại bậc Đại học được coi là tiêu chí ưu tiên hàng đầu. Thực tế, anh Nguyễn Hồng Hải (Nanoscience & Nanotechnology - EMM-Nano) cho biết, rất nhiều bạn sinh viên mới tốt nghiệp bậc Đại học đã thành công đạt được học bổng Erasmus Mundus, điều này cho thấy kinh nghiệm làm việc sẽ là một điểm cộng, nhưng không phải yếu tố bắt buộc trong việc xây dựng hồ sơ. Tuy vậy, theo chị Trần Trà My, chương trình Food Innovation and Product Design (FIPDes) không quá tập trung vào các điểm số học thuật mà lại chú trọng đến sự đa dạng trải nghiệm chuyên môn (bao gồm thành tựu nghiên cứu, kinh nghiệm làm việc, hoạt động xã hội) trong hồ sơ của ứng viên. Điều này được thể hiện qua sự nhấn mạnh nhiều lần của hội đồng qua từ khóa “multitasking” (đa nhiệm) trong quá trình phỏng vấn và hoàn thiện hồ sơ. Từ đó, cùng là nhóm ngành Kỹ thuật Công nghệ (KTCN), nhưng sắp xếp thứ tự ưu tiên tiêu chí sẽ tùy thuộc vào định hướng phát triển của chương trình: các chuyên ngành định hướng nghiên cứu sẽ chấm điểm cao hơn các yếu tố học thuật; chuyên ngành định hướng ứng dụng sẽ ưu tiên hồ sơ có nhiều trải nghiệm chuyên môn. Tuy nhiên, dù tiêu chí nào được ưu tiên, có được điểm số ổn định trong mức khá giỏi ở bậc học trước đó sẽ thể hiện tiềm năng học tập của bạn trong tương lai. Điểm chung của các ứng viên được chọn Dựa vào tiêu chí về nền tảng chuyên môn, các ứng viên thành công đều có điểm chung trong nhóm chuyên ngành học bậc Cử nhân. Tuệ cho biết, “Niên khóa của mình thì chưa thấy bạn nào đậu học bổng có nền tảng trái ngành, hầu hết đều thể hiện được sự liên quan đến chương trình học.” Tương tự, Linh và Nhất đều chia sẻ rằng hội đồng tuyển sinh đã chủ động giới hạn các ngành liên quan ngay từ vòng lọc hồ sơ. Ngược lại, đối với các chương trình có đa dạng hướng đi khác nhau tùy vào chuyên ngành lựa chọn, hồ sơ đầu vào cũng được phân bổ rộng ở các nhóm ngành khác nhau. Cụ thể, đối với chương trình EMM-Nano, “Các bạn sinh viên đến từ nhiều ngành khác nhau gồm Cơ khí, Vật lý, Hoá sinh, Vật liệu, Điện điện tử. Mỗi người mạnh một lĩnh vực khác nhau.” – Hải cho hay. Hay như khóa FIPDes 2022-2024, My cho biết có nhiều bạn có nền tảng các ngành khoa học cơ bản như Hóa học, Sinh học hay thậm chí có bạn học về hướng Quản lý Công nghiệp, Truyền thông Thực phẩm cũng có mặt. Điều này thể hiện rằng tùy vào hướng phát triển của chương trình, càng đa dạng đầu ra, hồ sơ lọc vào càng khác nhau. Lợi thế và điểm cần cải thiện của ứng viên đến từ Việt Nam Linh đánh giá sinh viên Việt Nam thường có điểm số ổn, được tạo điều kiện có kinh nghiệm nghiên cứu đa dạng (trong nước và quốc tế), sự tự tin, tâm thế sẵn sàng học hỏi. Hay như Tuệ cho biết thêm, tại Việt Nam, có cơ hội tham dự các hội thảo, đào tạo, thực tập có liên quan đến chương trình học, điều này góp phần làm nổi bật hồ sơ khi đi du học. Dưới một góc nhìn khác, My chia sẻ: “Lợi thế mình thấy ngay đó là Việt Nam mình là một đất nước đang phát triển, thị trường còn trẻ và cởi mở với những cái mới, chính vì vậy các ứng viên đã được “thiên vị” cho cả một vùng đề tài màu mỡ để khai thác và nghiên cứu. Có nhiều cái đã được nghiên cứu ở các quốc gia khác, nhưng Việt Nam mình chưa có thì mình vẫn coi đó là đổi mới đối với người Việt mình.” Bên cạnh những ưu điểm, các bạn ứng viên đến từ Việt Nam nên tập trung cải thiện tiếng Anh chuyên ngành nhằm giúp bản thân tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Việc được học tập bằng tiếng Anh ngay từ bậc Cử nhân sẽ là một ưu thế trong việc hòa nhập khi học tiếp bậc Thạc sĩ tại nước ngoài. Bên cạnh đó do đặc thù giáo trình tại một số trường Đại học được soạn bằng tiếng Việt, nặng lý thuyết, phần ứng dụng và thực hành chưa đủ để sinh viên có kỹ năng cần thiết. Các bạn nên chủ động nhìn nhận điểm yếu và phát triển kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, quản lý thời gian, tác phong thuyết trình và phỏng vấn bên cạnh việc duy trì điểm số cao trên lớp. 3. Kinh nghiệm chuẩn bị Chuẩn bị hồ sơ đi du học, dù ở bất cứ nơi đâu hay bất cứ ngành học gì, luôn là một chặng đường gian nan và nhiều thử thách. Nếu bạn còn đang mông lung về việc chuẩn bị hồ sơ, và ngành học của bạn là về Kỹ thuật - Công nghệ thì chúc mừng bạn, bạn đã tìm đến đúng nơi. Những chia sẻ dưới đây, được đúc kết từ quá trình chuẩn bị hồ sơ của các du học sinh giành được học bổng EM, là dành cho bạn đấy. Hãy bắt đầu sớm. Giấy tờ hành chính (bảng điểm, chứng nhận (sắp) tốt nghiệp, nơi cư trú, …), CV, thư giới thiệu, bài luận, chứng chỉ ngoại ngữ, … đòi hỏi nhiều thời gian để chuẩn bị và hoàn thành. Một năm đến 6 tháng trước hạn chót nộp hồ sơ là khoảng thời gian cần thiết cho quá trình nộp hồ sơ. Linh gợi ý lộ trình nộp hồ sơ tham khảo như sau: ● 6 tháng trước hạn chót: hoàn thành các chứng chỉ quốc tế (TOEFL, IELTS, GRE, GMAT). ● 4 tháng: tìm hiểu và lựa chọn các chương trình học phù hợp và lên chiến lược xin thư giới thiệu. ● 3 tháng: hoàn thành các giấy tờ hành chính. ● 1 đến 2 tháng trước hạn chót: hoàn thành bài luận, CV và thư giới thiệu. Làm nổi bật những hoạt động liên quan đến ngành học. Đối với nhóm ngành KTCN, kiến thức chuyên môn khá quan trọng. Điều này có thể thể hiện qua kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, xuất bản bài báo khoa học, kinh nghiệm việc làm liên quan đến lĩnh vực đó. Ví dụ như Nhất tham gia phòng nghiên cứu để nâng cao kỹ năng lập trình, học máy khi nộp ngành SSIS, Hải có một bài báo về điều chế hạt nano khi nộp ngành EMM-Nano, Tuệ có 2 năm kinh nghiệm làm việc ở Uniqlo trước khi nộp ngành WE-TEAM hay Linh có kinh nghiệm thực tập ở New Zealand về y sinh - miễn dịch, thực tập về tin sinh và làm khóa luận đại học về hóa sinh tại Nhật Bản trước khi nộp ngành IMIM. Thời đại ngày nay với sự hỗ trợ của mạng xã hội, các bạn ứng viên có rất nhiều cách để làm đẹp CV của mình. Các bạn hãy lựa chọn công việc và dự án mà mình muốn tham gia một cách thông minh, bởi chúng ta chỉ có 24 giờ để làm việc và nghỉ ngơi mà thôi, theo lời My chia sẻ. Việc có một bộ hồ sơ thống nhất và liên quan đến ngành nộp đơn, từ ngành học Cử nhân, cho đến các kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc, sẽ giúp ứng viên trở nên "hấp dẫn" hơn trong mắt nhà tuyển sinh đấy. Hãy tận dụng những nguồn lực sẵn có xung quanh để hỗ trợ quá trình chuẩn bị hồ sơ. Anh Nhất đã ứng tuyển vào chương trình EM Mentorship của nhóm EM Việt Nam và nhận được rất nhiều lời khuyên quý báu và hỗ trợ của các anh chị đi trước trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ và phỏng vấn. Với My, chính những mentor và bạn bè đã tiếp thêm động lực để chị "lết" qua những ngày tháng chuẩn bị hồ sơ. Điều cuối cùng và cũng rất quan trọng, đó là hãy giữ được sự quyết tâm và niềm đam mê trong quá trình nộp hồ sơ. Những anh chị đã và đang theo học chương trình Thạc sĩ EM, hay những bạn vừa trúng tuyển, chia sẻ rằng chính ngọn lửa khao khát được đi, được trải nghiệm trong môi trường học tập đa văn hoá của EM đã thúc đẩy họ vượt qua sức ì bản thân để hoàn thành hồ sơ, vượt qua những khó khăn về thời gian trong công việc hiện tại cũng như tạo niềm cảm hứng để viết bài luận chinh phục các nhà tuyển sinh. Từ bỏ công việc ổn định giống như bạn bè đồng trang lứa, hay sắp xếp thời gian cho việc chuẩn bị hồ sơ trong lịch trình công tác bận rộn, là những thử thách mà bất cứ ai khi nộp đơn đều sẽ trải qua. Thế nhưng phần thưởng cho sự nỗ lực ấy sẽ cực kì xứng đáng. Tóm lại, quá trình chuẩn bị hồ sơ là một quá trình nhiều thách thức. Hãy bắt đầu sớm, làm nổi bật hồ sơ thông qua những hoạt động liên quan đến ngành học, tận dụng sự hỗ trợ và giúp đỡ của thế hệ đi trước cũng như giữ vững ý chí quyết tâm chính là chìa khóa mở cánh cửa đến với chương trình EM. Chúc bạn thành công! B. Quá trình ứng tuyển 1. Thư động lực Motivation letter, Statement of Purpose (SOP) hay thư động lực, có lẽ là một trong những công việc mệt mỏi và đòi hỏi ứng viên suy nghĩ nhiều nhất. Viết được một bài luận tốt không cần một thành tích quá khủng, điểm số hay giải thưởng xuất sắc, đôi khi nếu bạn đủ sáng tạo và nhạy bén, bạn vẫn có thể trở nên nổi bật nhờ vào một câu chuyện đặc sắc, thể hiện “Tôi chính là người phù hợp”. Thư động lực là gì? Đầu tiên, sẽ là không thừa khi đề cập đến thư động lực là gì? Tại sao chúng ta cần đầu tư thời gian cho công việc này trong quá trình ứng tuyển học bổng? Thư động lực là một trong những yếu tố chiếm trọng số cao trong một bộ hồ sơ (thông thường là 15-20% đối với nhóm ngành KTCN). Thông qua thư động lực, ứng viên phải thể hiện được điểm mạnh của bản thân, quá trình phát triển, và hơn hết – điều gì đã thúc đẩy bạn ứng tuyển chương trình này, theo đuổi một lĩnh vực cụ thể. Cũng chính vì đặc thù của mỗi ngành khác nhau, mỗi ứng viên lại kể một câu chuyện có tính cá nhân, thế nên đối với thư động lực, bạn chẳng có công thức chung nào để áp dụng cho tất cả. Hiểu được các yêu cầu của chương trình học chính là bước đầu để có thể viết được một thư động lực “phù hợp”. Thông thường, đối với nhóm ngành KTCN, bạn cần trả lời được một số câu hỏi cơ bản nhất trong khi viết bài luận: Nền tảng học thuật của bạn như nào? Kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu ra sao? Động lực nào khiến bạn chọn theo đuổi lĩnh vực hiện tại? Định hướng tương lai của bạn là gì? Và tại sao bạn nghĩ mình có khả năng để nhận học bổng? Rõ ràng, các câu hỏi là chung đối với tất cả ứng viên, thế nhưng những ai hiểu được bản thân, hiểu được động lực của mình mới là người viết được một bức thư động lực nổi trội, thuyết phục được chương trình để giành lấy học bổng danh giá. Cấu trúc và cách tiếp cận khi viết thư động lực Thư động lực không phải tập làm văn, nhưng nếu bạn biết cách vận dụng khả năng ngôn ngữ, rõ ràng bạn đang nắm trong tay một lợi thế lớn. Có hai dạng thư động lực chính là viết tự do (không có câu hỏi cụ thể) và theo cấu trúc trả lời những câu hỏi có sẵn. Với dạng đầu tiên, ứng viên có nhiều cách để thể hiện động lực và câu chuyện của bản thân. Một cách viết được đa số các bạn khóa EM 2022 áp dụng là viết theo trình tự thời gian (thông thường là từ xa đến gần). Theo gợi ý của Hoàng Nhất, ứng viên có thể chia thư động lực làm 4 phần: Giới thiệu chung về bản thân - Trước khi vào Đại học – Trong quá trình học Đại học – Sau khi tốt nghiệp – và phần kết luận. Với mỗi khoảng thời gian kể trên, bạn cần thể hiện được đam mê và mong muốn mạnh mẽ của bản thân, đồng thời có sự liên kết, đảm bảo tính mạch lạc giữa những giai đoạn chuyển tiếp. Ví dụ, trong bài luận của mình, Nhất đề cập đến việc bản thân rất đam mê các môn khoa học tự nhiên và có sự tò mò về cách thức hoạt động của mọi thứ xung quanh. Đó là động lực khiến Nhất chọn học ngành Điện tử - viễn thông ở Đại học. Trong quá trình học, nhận ra nếu chỉ học lý thuyết vẫn chưa đủ để thỏa mãn đam mê của bản thân, Nhất đã chủ động tham gia vào các phòng nghiên cứu khoa học và thực tập để có thêm kinh nghiệm thực tế. Chính những điều đó giúp Nhất hiểu rõ đam mê của mình hơn và thúc đẩy bản thân đi theo con đường nghiên cứu. Có thể thấy, điểm quan trọng nhất trong thư động lực đó là tính thống nhất trong suốt quá trình các bạn phát triển. Bất cứ quyết định nào trong quá trình đó phải đi kèm với câu hỏi “tại sao?” – Tại sao bạn lại chọn con đường này, chương trình này chứ không phải bất cứ ngành học nào khác? Động lực của bạn có đủ thuyết phục hay không? Phần cuối cùng – kết luận, bạn nên thể hiện sự hiểu biết đối với chương trình, họ đang tìm kiếm ứng viên như thế nào? Nếu được chọn, bạn sẽ tận dụng cơ hội để thay đổi bản thân và sự nghiệp như thế nào? Đồng thời, hãy thể hiện bạn chính là một ứng viên tiềm năng và xứng đáng đối với vị trí đó? Ngoài cách viết theo thứ tự thời gian, ứng viên cũng có thể viết về trải nghiệm cá nhân, quan sát của bản thân trước rồi liên kết chúng với một vấn đề mà bạn mong muốn giải quyết – cũng chính là thứ chương trình có thể đem lại cho bạn. Bài luận đòi hỏi tính sáng tạo cao và khả năng trình bày ý tưởng, trải nghiệm tốt. Dạng thứ hai là chương trình sẽ đề ra những câu hỏi cụ thể. Ứng viên nên xác định rõ yêu cầu của từng câu hỏi cũng như nhìn nhận tầm quan trọng của mỗi câu hỏi. Việc chương trình dùng các câu hỏi cụ thể có thể sẽ đóng khung câu trả lời của ứng viên, khiến bạn dễ "chìm nghỉm" trong hàng ngàn hồ sơ bởi bạn sẽ có ít “đất diễn” hơn trong bài luận của mình. "Lời khuyên của mình chính là hãy sáng tạo trong chính khuôn khổ được đưa ra, kể cả khi mọi thứ dường như được đóng khung sẵn và chờ đợi bạn điền vào. Bạn có thể sáng tạo trong bố cục câu trả lời, hay cách tiếp cận câu hỏi, hoặc là trong cách diễn đạt của mình. Hãy biến câu trả lời của bạn trở nên đặc biệt, độc đáo, mang đậm tính cách con người bạn và tỏa sáng như chính cách bạn đang tỏa sáng" - Tuệ chia sẻ. Tóm lại, ứng viên nên xác định những câu hỏi quan trọng để trả lời thật tốt. Với những câu hỏi mang tính thông tin, ứng viên nên trả lời xúc tích, tránh lan man. Sai lầm hay mắc phải khi viết luận học bổng Như đã nhắc ở phần đầu, viết thư động lực là một trong những công việc đau đầu và “tốn não” nhất trong một bộ hồ sơ vì ứng viên có thể mắc những lỗi trong quá trình viết SOP. Đầu tiên và cũng là sai lầm phổ biến nhất – lặp lại CV. Nếu đã có một bản CV rồi thì tại sao hội đồng tuyển chọn cần phải đọc lại một bản khác – dài hơn? Thay vào đó, các ứng viên nên chọn lọc để viết cụ thể hơn: một môn học bạn thấy ấn tượng, một dự án bạn làm nhưng gặp khó khăn, và cách bạn giải quyết nó để có được kết quả cuối cùng. Thứ hai, tránh viết theo mô típ cũ, kể lể dài dòng, tránh than nghèo kể khổ hay không có các đặc quyền về giáo dục. Việc đưa nghịch cảnh vào bài luận không có gì sai nếu bạn biết cách khai thác, nhưng nếu kể lể quá nhiều và định hình bản thân bằng những trải nghiệm xấu sẽ dễ khiến người đọc có cảm xúc tiêu cực. Suy cho cùng, ứng viên phù hợp cho chương trình phải là người có thành tích đủ tốt, kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp với ngành học mới chính là yếu tố quyết định chứ không phải gia cảnh của bạn. Trong quá trình viết, các bạn cũng cần lưu ý đến độ dài của bài luận. Nếu không có giới hạn về độ dài, một thư động lực xin học bổng lý tưởng sẽ trong khoảng 400-600 từ, nhằm đảm bảo đủ ý bao quát cả quá trình của bản thân, mà vẫn súc tích, không dài dòng. Ứng viên nên nhờ người có chuyên môn phản biện và chỉnh sửa bài luận để tránh các lỗi dùng sai từ, sai ngữ pháp hoặc các cụm từ quá "cao siêu" và gây hiểu lầm. Chiến lược viết bài Mỗi người chắc chắn sẽ có khoảng thời gian chuẩn bị bài luận khác nhau. Từ chia sẻ của các anh, chị du học sinh EM, thời gian từ lúc ứng viên lên ý tưởng, cấu trúc đến khi hoàn thành một bài luận thường kéo dài trong khoảng 1-2 tháng. Trong giai đoạn này, các bạn nên phân chia thời gian hợp lý để đảm bảo tiến độ viết, sửa và hoàn thiện bài. Ví dụ, bạn có thể dành 1 tuần đầu để tìm hiểu về cấu trúc thư, yêu cầu từ phía chương trình là gì? Liệt kê các câu hỏi muốn trả lời hoặc xác định những câu hỏi trọng tâm từ phía chương trình. Hai tuần cho việc viết và những tuần cuối cùng cho việc chỉnh sửa. Về chiến thuật viết bài, các bạn có thể tham khảo phong cách “phóng đại cảm xúc” của Thế Hiển ở nhóm ngành Khoa học Tự nhiên. Trong bài luận của mình, Hiển có viết về sự tò mò đối với pin xe điện từ khi học phổ thông là động lực để Hiển tiếp tục học ngành Hóa khi lên Đại học. Mặc dù không phải là lý do lớn nhất, nhưng Hiển đã viết trong thư động lực coi đó như là đam mê để phù hợp với mục tiêu hướng đến của chương trình học. Hay như cách Hải chia sẻ blog cá nhân về Chip điện tử trong bài luận nhằm thể hiện được động lực chọn ngành, theo đuổi mảng Nanoelectronics ở bậc Cao học. Nếu bạn có quá nhiều câu chuyện để kể, thì bạn có thể liệt kê tất cả ra một tờ giấy, rồi từ đó chọn câu chuyện phù hợp cho những chương trình khác nhau, như cách mà My đã áp dụng. Tính cá nhân cao và động lực được cụ thể hóa có lẽ là điểm chung của hầu hết các bài luận “hay” trong chương trình EM. Cuối cùng, hãy tìm người cố vấn (mentor) hoặc nhờ những người có kinh nghiệm trong quá trình viết thư động lực để họ phản biện và chỉnh sửa bài luận, ví dụ như các anh chị khóa trước, trung tâm tư vấn, hay dịch vụ sửa bài luận. Hàng năm, nhóm EM Việt Nam cũng có tổ chức chương trình EM Mentorship nhằm hỗ trợ ứng viên trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, với nguồn nhân lực chính là các anh chị cựu sinh viên những khóa trước. Các bạn cần để ý vì chương trình sẽ chỉ chọn ra những người có quyết tâm cao và động lực mạnh mẽ để hỗ trợ. Vì thế các bạn hãy theo dõi thông tin từ Facebook của nhóm16 để có thể ứng tuyển kịp thời. Tuy nhiên, các bạn cũng tránh tìm quá nhiều cố vấn để không bị tình trạng “đẽo cày giữa đường”, nên tham khảo 1-2 người hướng dẫn là đủ. Viết thư động lực là một quá trình để ứng viên có dịp nhìn lại bản thân mình và là nơi để thể hiện niềm đam mê và khao khát theo đuổi ngành học hiện tại. Dù thư động lực là một bài luận tự do hay là những câu hỏi có sẵn, thì ứng viên hãy nỗ lực sáng tạo, và làm nổi bật bài viết của mình, bằng những câu chuyện cụ thể. Chúc các bạn có bài luận như ý! 2. Thư giới thiệu Thư giới thiệu là một phần không thể thiếu của bất cứ một bộ hồ sơ nào. Nếu như thư động lực là góc nhìn chủ quan về kinh nghiệm, thành tích và tính cách cá nhân, thì thư giới thiệu chính là lăng kính khách quan phản chiếu năng lực và thái độ của một ứng viên. Một lá thư giới thiệu có 16 https://amgenscholars.com sức nặng, trước hết, phải thể hiện được chân thật hình ảnh của ứng viên và xuất phát từ thiện cảm của người giới thiệu. Một lá thư với quá nhiều lời khen, đặc biệt là những lời sáo rỗng, hay chung chung, vừa không hay lại có thể gây mất điểm trong mắt hội đồng tuyển sinh. Từ kinh nghiệm của những du học sinh thành công trong quá trình xin học bổng, ứng viên nên chú ý những điều sau để giúp bức thư trở nên "thật" và ấn tượng hơn: ● Thể hiện một sợi dây liên kết giữa người viết và ứng viên (ví dụ như giảng viên hướng dẫn hoặc giảng dạy, đồng nghiệp hoặc cấp trên), ● Dẫn chứng cụ thể những đóng góp hoặc năng lực của ứng viên thông qua những hoạt động trong học tập, nghiên cứu hay trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, ● Nêu lên được những điểm mạnh của ứng viên như kĩ năng hòa hợp, làm việc chung. Mỗi chương trình sẽ có yêu cầu về thư giới thiệu khác nhau, ví dụ như số lượng, lĩnh vực của người giới thiệu. Đa số các chương trình trong lĩnh vực Kỹ thuật - Công nghệ sẽ yêu cầu hai thư giới thiệu, có thể từ giảng viên đại học hoặc từ cấp quản lý trong môi trường làm việc chuyên nghiệp. Nói cách khác, ứng viên có thể xin thư giới thiệu từ giảng viên hướng dẫn khóa luận, giảng viên giảng dạy, hoặc sếp quản lý trực tiếp. Có một điều mà hầu như các anh chị đi trước đều đồng ý, đó là hãy ưu tiên những người giới thiệu có nhiều trải nghiệm và tương tác với ứng viên, hơn là chức vụ của người đó. Chính sự hiểu rõ "con người" của ứng viên mà lá thư có chiều sâu và có "tình" hơn và tất nhiên, những lời khen chân thành ấy sẽ tốt hơn nhiều những lời khen chung chung, kể cả khi người viết không thực sự làm trong lĩnh vực liên quan đến ngành học của ứng viên. My trong quá trình chuẩn bị hồ sơ cho ngành FIPDes đã xin thư giới thiệu từ người sếp phòng marketing trong thời gian đi thực tập. Bức thư đã giúp thể hiện khả năng đối mặt và giải quyết tình huống trong môi trường mới lạ, một kỹ năng cực kì cần thiết nơi đất khách quê người. Ngoài ra, hai thư giới thiệu không nên trùng lặp mà nên khắc hoạ được những mặt khác nhau của ứng viên. Chính vì thế, việc lựa chọn người giới thiệu và lên chiến lược để xin thư là vô cùng quan trọng. Hãy bắt đầu liên hệ người có thể viết thư giới thiệu từ sớm, có thể là 4 đến 5 tháng trước hạn chót theo kinh nghiệm từ Nhất trong quá trình nộp hồ sơ cho ngành SSIS. Ứng viên cũng nên cung cấp đầy đủ thông tin về ngành học dự định để giúp người viết thư chuẩn bị tốt hơn. Ngoài ra, hãy dự phòng thêm những người giới thiệu khác để quá trình nộp hồ sơ suôn sẻ. Một điều quan trọng là các thầy cô hay sếp không có nghĩa vụ phải giúp đỡ chúng ta. Chính vì thế, ứng viên nên tôn trọng và biết ơn những người viết thư giới thiệu. Ứng viên nên giữ liên lạc thường xuyên với người viết thư như trao đổi email hay gặp mặt, cũng như "thúc giục" một cách lịch sự khi gần đến hạn chót. Tóm lại, một lá thư chân thật, khách quan và cụ thể chắc chắn sẽ giúp bộ hồ sơ trở nên "long lanh" và để lại ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển sinh. Chính vì thế, hãy dành thời gian và công sức để lựa chọn, liên hệ và hỗ trợ người viết thư phù hợp. Chúc các bạn thành công! 3. Vòng phỏng vấn Số lượng chương trình có vòng phỏng vấn trong quá trình ứng tuyển học bổng Erasmus Mundus cũng không phải là nhỏ. Tại sao lại cần phỏng vấn? Có nên đầu tư cho công việc này hay không? Và chiến lược để có một buổi phỏng vấn ấn tượng là gì? Phần tiếp theo của cuốn sách sẽ giải đáp các thắc mắc dựa trên kinh nghiệm thực tế từ những bạn, anh chị đã tham gia phỏng vấn và chinh phục được học bổng Erasmus Mundus vô cùng cạnh tranh. Tại sao cần vòng phỏng vấn? Đây hẳn là thắc mắc của khá nhiều bạn khi ứng tuyển chương trình học bổng bởi lẽ hồ sơ gồm CV, thư động lực, thư giới thiệu đã có thể phản ánh tương đối đầy đủ về chân dung của ứng viên, liệu vòng phỏng vấn có quá tốn thời gian và công sức? Câu trả lời là “Không”, mỗi chương trình có những tiêu chí rất cụ thể để có thể chọn ra được các ứng viên phù hợp nhất, đảm bảo có thể phát huy tài nguyên và lợi thế mà chương trình đưa ra. Một vòng phỏng vấn mặt đối mặt với những người quyết định trao cho mình suất học bổng trị giá 49,000 Euro rõ ràng là cần thiết, nhằm đánh giá một cách khách quan những khía cạnh khác của ứng viên – những thứ mà chưa thể hiện được thông qua bài luận hay CV đã được chuẩn bị kỹ càng từ trước. “Chương trình của mình trước đây không hề có vòng phỏng vấn, tuy nhiên, theo chia sẻ từ một anh hiện tại đang theo học (niên khóa 2020-2022), trong quá trình học, học viên phản ánh khá nhiều về chương trình học không đúng mong muốn, dẫn đến một số bất cập không đáng có. Vì vậy, từ năm 2020, ban tuyển sinh quyết định có thêm vòng phỏng vấn để đảm bảo tất cả ứng viên được chọn sẽ có động lực lớn và hiểu biết nhất định về lĩnh vực mà họ theo đuổi trong 2 năm học tiếp theo” – Nhất nhấn mạnh. Như vậy, vòng phỏng vấn giúp cho hội đồng tuyển chọn có thể kiểm tra liệu ứng viên có thực sự có kiến thức và chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể hay không. Ngoài ra, một người có sự thể hiện tự tin, rành mạch với khả năng ứng biến trước những câu hỏi đòi hỏi phản xạ cũng là một ứng viên tiềm năng cho chương trình học sau này. Chuẩn bị phỏng vấn như thế nào? Một số chương trình sẽ nói rõ trong quy trình xét tuyển về vòng phỏng vấn nhưng cũng có chương trình chỉ thông báo cho ứng viên chuẩn bị phỏng vấn sau khi đã kết thúc vòng lọc hồ sơ. Vì thế thời gian phỏng vấn cũng có thể thay đổi tương ứng và việc chuẩn bị tâm thế cho quá trình này cũng là một điều vô cùng quan trọng. Ví dụ, chương trình của Nhất cho ứng viên chọn các khung thời gian khác nhau kéo dài trong hơn 1 tuần để phỏng vấn. Nhờ vậy, Nhất đã chọn ngày phỏng vấn cuối cùng để vừa có thể sắp xếp công việc cá nhân, vừa có thêm thời gian để chuẩn bị thật kỹ. Thời gian ứng viên chuẩn bị cho buổi phỏng vấn có thể từ 1-2 tuần tùy chương trình. Chiến lược phổ biến trong quá trình chuẩn bị là tìm kiếm thông tin về các câu hỏi phỏng vấn từ các cựu sinh viên của các khóa trước (thông các hội nhóm Facebook liên quan đến EM, qua Whatsapp, hoặc qua Email hay Linkedin), và tất nhiên là từ Google nữa. Tiếp theo, chủ động dự đoán các phần có thể được hỏi cũng như vạch sẵn hướng trả lời cho những câu hỏi đã chuẩn bị (tham khảo chương VII). Quan trọng là tìm kiếm một người để luyện tập thật nhiều nhằm luyện phản xạ, tập cho phong cách trả lời trơn tru và tự tin nhất trước khi vào buổi phỏng vấn chính thức. Đối với mảng KTCN, thông qua phỏng vấn, chương trình muốn đánh giá về tư duy, kiến thức trong lĩnh vực bạn đang theo đuổi. Chẳng hạn bạn sẽ được hỏi về một bộ dữ liệu sử dụng trong bài toán học máy, xu hướng phát triển của một công nghệ mới, hoặc thuật toán mà bạn dùng trong dự án bạn thuyết trình trước hội đồng. Việc đọc lại không chỉ toàn bộ hồ sơ bao gồm CV, thư động lực, đặc biệt là các dự án bạn đã làm, các khái niệm, mảng kiến thức đặc thù trong chuyên ngành mà còn thông tin về chương trình, các khóa học là vô cùng cần thiết để hiểu mình, hiểu cả chương trình mình đang ứng tuyển. Đây chính là thời điểm bạn khai thác kỹ những gì mình có, thể hiện được điểm mạnh trước người phỏng vấn, qua đó giúp bạn để lại ấn tượng tốt trước hội đồng tuyển chọn. Ngoài những câu hỏi mang tính học thuật thì các bạn có thể chuẩn bị một số câu hỏi sau: Hướng nghiên cứu cụ thể của bạn là gì? Tại sao (chỗ này cần kết nối với chuyên ngành, thư động lực của bạn)? Bạn đã chuẩn bị cho chương trình này như nào? Bạn tự nhận xét bản thân có điểm mạnh, điểm yếu gì? Nếu không được chọn bạn sẽ làm gì? Bạn có câu hỏi gì cho hội đồng hay không? “Chiến lược của mình là biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Hãy tìm hiểu thật kỹ về những dự án mà chương trình đã thực hiện, tìm hiểu về những chủ đề hội đồng phỏng vấn quan tâm. Ngoài ra, sẽ lý tưởng nhất nếu ngay trong buổi phỏng vấn này, bạn có thể trình bày cho hội đồng một số thành quả, dự án mà bạn đã làm, mắt thấy tai nghe, khéo léo lồng ghép nhận xét về hạn chế mà dự án bạn đã làm và hướng cải thiện nó trong các nghiên cứu sắp tới. Mình nghĩ cách này sẽ khắc họa được khả năng phân tích cũng như sự chủ động của bạn khi làm việc” – My chia sẻ. Mô tả buổi phỏng vấn Mỗi chương trình, buổi phỏng vấn sẽ diễn ra theo một cách khác nhau. Một vài chương trình yêu cầu ứng viên chuẩn bị một bài thuyết trình ngắn (5-10 phút) về các dự án đã làm, mục tiêu và động lực khi ứng tuyển chương trình, sau đó hội đồng mới chuyển sang hỏi – đáp. Tuy nhiên, cũng sẽ có chương trình có phần phỏng vấn kéo dài lâu hơn (30 phút) như của Thuỳ Linh (IMIM): “Chọn 1 trong 4 bài báo khoa học được chương trình cung cấp, và thuyết trình lại trong 5 phút với nội dung gồm: vấn đề được nêu ra trong bài báo, tính mới của nghiên cứu, kết luận, điểm mạnh và điểm yếu của phương pháp, hướng nghiên cứu trong tương lai của bài. Trong cuộc phỏng vấn, mình có 5 phút đầu tiên để thuyết trình và 5 phút trả lời câu hỏi. Câu hỏi mình tâm đắc là họ hỏi xem mình có biết bài báo nào được phát triển tiếp từ bài báo này không vì đây là một nghiên cứu từ năm 2017 rồi. Câu hỏi này giúp kiểm tra xem sinh viên có tìm đọc nhiều bài báo xung quanh chủ đề được giao hay không. Trong 10 phút tiếp theo, ứng viên sẽ có 5 phút trình bày về một dự án nghiên cứu mình từng làm và 5 phút phản biện. Thời điểm phỏng vấn, mình chưa tốt nghiệp đại học, vì thế thay vì lựa chọn luận án đại học để thuyết trình, mình đã lựa chọn dự án mình đã làm khi thực tập tại viện nghiên cứu sinh học cơ bản quốc gia Nhật Bản. 10 phút cuối là phần câu hỏi về cá nhân. Họ hỏi mình về lý do tham gia chương trình, định hướng sau khi tốt nghiệp, am hiểu của mình về chương trình đến đâu. Chương trình mình có 2 học phần là trường xuân tại Đức và trường hè tại Hà Lan học về phát triển bản thân, tư duy kinh doanh, v.v. Thoạt nghe thì có vẻ hơi xa vời với những người có định hướng theo nghiên cứu học thuật, nên họ cũng hỏi là mình thấy được những lợi ích gì từ các học phần này của họ. Như vậy, tổng thời gian của buổi phỏng vấn là 30 phút. Không ngắn không dài. Ngoài lề buổi phỏng vấn, tại thời điểm thực hiện phỏng vấn, mình đang ở New Zealand nghiên cứu. Một thầy giáo còn hỏi trực tiếp về đề tài mình đang làm, và chia sẻ, trước kia thầy cũng đã từng nghiên cứu về nó. Thầy còn chúc mình may mắn với đề tài Và mình nghĩ đây là một cái duyên.” “Vì có tìm hiểu trước nên mình biết hội đồng phỏng vấn mình khá gần gũi và thân thiện. Buổi phỏng vấn chủ yếu để kiểm chứng lại những gì mình sẵn có mà thôi, nên hãy bình tĩnh. Ngày hôm đó, mình giữ tâm thế chủ động bằng cách chuẩn bị một bản trình chiếu Powerpoint để giới thiệu về bản thân thay vì chỉ nói suông, bao gồm một vài con số, hình ảnh và cả nhận xét của mọi người xung quanh về mình. Mình nghĩ chính điều này đã giúp mình làm chủ được cuộc nói chuyện hơn, đồng thời tạo được ấn tượng đầu tốt. Ngoài ra, mình cũng đọc trước luận án của các anh chị học viên khóa trước của chương trình, chọn lọc những chi tiết gần với định hướng của bản thân để lấy làm chủ đề chung khi có thời gian trao đổi tự do. Mình cố gắng liên hệ mình với nhiều câu chuyện alumni nhất có thể, và điều này khiến bầu không khí thoải mái hơn rất nhiều” – My chia sẻ. Câu hỏi nào khiến bạn ấn tượng nhất “Mình ấn tượng nhất với câu hỏi, “Theo bạn, chương trình đóng góp được gì cho bạn?”. Khác với câu trả lời được chuẩn bị cho những gì mình có thể đóng góp nếu may mắn được nhận, thầy làm mình “khớp” ngay tức khắc khi lật ngược tủ của mình tức thì. Nhưng khi nhận được câu hỏi này, mình tin rằng đây chính xác là nơi mình muốn học nhất. Vì khi được cấp học bổng, là một mối quan hệ win-win (hai bên cùng có lợi), ngoài tiền ra, mình còn mong muốn nhận được gì? Đây mới là mục tiêu bền vững mà mình hướng tới. Sau khi trả lời hết, mình cũng thật thà nói ra cảm nghĩ của mình khi cảm nhận được sự quan tâm qua từng câu hỏi của hội đồng trong đơn ứng tuyển, từ việc mình tìm kiếm một môi trường học tập, làm việc như thế nào, đến việc mình mong đợi gì khi nộp đơn”. “Với mình, câu hỏi ‘Bạn tiếp cận và giải quyết vấn đề như nào’ là ấn tượng nhất bởi nó không chỉ nằm ngoài phần mình đã chuẩn bị trước đó mà còn bởi vì mình … không hiểu câu hỏi. Ban đầu, mình không hiểu hội đồng nói gì do tiếng Anh của chú thực sự quá nặng ngữ điệu Ấn Độ, đến tận sau khi hỏi lại đến lần thứ 3 mình mới bắt được ý của câu hỏi. Sau bình tĩnh lại thì mình gắn câu trả lời với quá trình mình học tập và nghiên cứu ở phòng thí nghiệm, và đặc biệt là kết nối với phương châm học tập của chương trình ‘Learning by doing’. Nên dù ban đầu có vẻ hơi lạc đề nhưng cuối cùng mình thấy khá hài lòng vì đã thể hiện được sự hiểu biết của mình đối với chương trình học” – Nhất chia sẻ. Các lưu ý trong vòng phỏng vấn Vì phỏng vấn trực tuyến, bạn nên có mặt trong phòng phỏng vấn sớm trước 15-30 phút, đảm bảo đường truyền mạng ổn định (chuẩn bị sẵn kế hoạch dự phòng, ví dụ 4G), không gian yên tĩnh và đủ sáng cũng là một yếu tố quan trọng. Về trang phục, nên mặc đồ lịch sự, tránh các bộ đồ tối màu để tạo ấn tượng tích cực với hội đồng phía chương trình. “Các bạn nhớ luôn cười thật tươi và nhìn thẳng vào webcam nhé” - Linh nhắn nhủ. Đối với những chương trình yêu cầu thuyết trình, hãy cố gắng làm slide đơn giản, hạn chế dùng hiệu ứng vì có thể sẽ có độ trễ trong quá trình chuyển slide, ảnh hưởng tâm lý của bạn. Nói to, rõ ràng và thể hiện được sự tự tin đối với từng câu trả lời. Việc đưa ra dẫn chứng cụ thể bằng số liệu cũng giúp cho phần trình bày của bạn đáng tin cậy và có sức thuyết phục hơn rất nhiều. Đối với những câu hỏi ngoài tầm hiểu biết, nên thẳng thắn thừa nhận hoặc ít nhất nói một cách tổng quan để thể hiện bạn cũng có sự tìm hiểu nhất định. 4. Những lưu ý khác Tốt nghiệp hạng giỏi Đối với khối ngành KTCN ở bậc đại học thì việc tốt nghiệp hạng giỏi cũng không phải là quá khó, mức hạng này sẽ đòi hỏi phần trách nhiệm của các bạn sinh viên đối với môn học, tập trung nghe giảng và hoàn thành tốt bài tập về nhà. Ngoài ra, các bạn nên học từ đầu kỳ thay vì chờ tới cuối kỳ rồi ôn triền miên, nếu có kế hoạch học tập và cố gắng từ đầu năm học thì hạng giỏi chỉ trong tầm với và cố thêm nhiều chút nữa thì hạng xuất sắc trong tầm tay thôi. Chứng chỉ IELTS/TOEFL và một số ngôn ngữ khác Theo chia sẻ của My: “Chứng chỉ ngoại ngữ nên được chuẩn bị từ ít nhất 2-3 tháng trước khi ứng tuyển hoặc đơn giản là xem xét thời hạn của chứng chỉ, khi nào đủ phong độ nhất và nhiều thời gian nhất thì thi trước cũng được”. Tuệ trải lòng: “Việc ôn luyện chứng chỉ ngoại ngữ còn tùy thuộc vào trình độ hiện tại của bạn nằm ở mức nào. Nếu không tự tin, mình khuyên bạn nên bắt đầu càng sớm càng tốt, trước ngày chương trình mở để nhận hồ sơ khoảng 3 tháng. Như vậy bạn sẽ có kha khá thời gian để đầu tư vào ngoại ngữ, và có thời gian để thi lại phòng khi kết quả không như ý”. Như các chia sẻ khác từ mọi người, chứng chỉ ngoại ngữ là một điều kiện tiên quyết nhưng chỉ cần đủ, nếu không có nhiều thời gian các bạn không nên cố đặt mục tiêu quá cao mà thay vào đó hay học thêm các chứng chỉ khác phục vụ cho ngành sắp học như chứng chỉ ngoại ngữ khác, hay ứng tuyển vào một số công việc liên quan tới ngành học, điểu đó sẽ tạo điểm mạnh lớn cho hồ sơ của các bạn. “Mình mong mọi người hiểu rằng chương trình EM là chương trình đa quốc gia, đi trao đổi ở nhiều nơi và chắc chắn phần lớn người bạn tiếp xúc cũng là người học tiếng anh như bạn. Đặc biệt là tại châu Âu, không phải nơi nào cũng sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thống. Giỏi tiếng Anh có thể giúp bạn thuận lợi hơn trong 6 tiếng diễn ra tiết học nhưng sẽ không giúp bạn sinh hoạt, đi chợ, thuê nhà suôn sẻ hơn trong 10 tiếng còn lại tại Pháp hoặc Ý chẳng hạn” một kinh nghiệm vô cùng quý báu từ My, như các quốc gia khác, ở châu Âu họ cũng rất coi trọng ngôn ngữ bản địa của mình vì vậy việc tiếp thu một ngôn ngữ mới sẽ tạo ra một cầu nối giữa người với người ở nơi đất khách, tạo cảm giác thân quen và gần gũi hơn rất nhiều. Vậy học một ngôn ngữ khác như nào là đủ? Đây có thể là một câu hỏi mà các bạn đang thắc mắc. Vâng, học một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh có thể tạo nên một điểm cộng lớn cho hồ sơ của bạn, nhưng không vì thế mà các bạn tốn quá nhiều thời gian cho nó vì điều này không phải là bắt buộc trong bộ hồ sơ ứng tuyển. Theo Nhất chia sẻ: “Mình nghĩ nên học thêm nhưng không cần quá trọng tâm” bởi lẽ nếu chúng ta tập trung quá nhiều thì sẽ gây ảnh hưởng tới những phần khác. Hãy cùng xem cách học và vai trò của ngôn ngữ mới mà bạn My chia sẻ nhé: “Nên đầu tư thời gian học ngôn ngữ bản địa tại nơi mình trao đổi. Nếu không có điều kiện thì chẳng cần đi học trung tâm hay thi cử gì đắt đỏ đâu, tải ứng dụng Duolingo về tự học mỗi ngày 15 phút là được. Ví dụ trong trường hợp của mình, khi được hội đồng hỏi về khả năng tiếng Pháp của mình, mình chỉ đơn giản nói rằng mình được công nhận là top 1% French learner 2021 trên app con cú cũng như mình đã hoàn thiện gần hết bài 1 khi nhắc đến dự định theo học chuyên ngành tại Ý. Mình nghĩ hội đồng không quá đặt nặng vấn đề ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, nhưng nếu mình thể hiện được tinh cầu tiến của mình, tinh thần sẵn sàng hòa nhập dù dưới bất kỳ hình thức nào đều được trân trọng, và chắc là được ưu tiên xíu xiu đó. Và, như mình đã nói, học tập tại châu Âu thì biết nhiều hơn 1 ngoại ngữ chắc chắn sẽ là lợi thế của bạn”. Với cách học này, mình không cần dành quá nhiều thời gian cho nó, mà mình vẫn có được những vốn từ vựng cơ bản phục vụ cho cuộc sống hằng ngày. Điều mà bạn mong muốn trước khi đi học Cũng như các khối ngành khác, việc quản lý thời gian, cảm xúc và tìm kiếm các tài liệu học tập luôn đóng vai trò quan trọng khi bắt đầu cuộc sống mới ở xứ lạ. Chương trình IMIM của Linh, với lộ trình Hà Lan - Thụy Điển bao gồm 1 kì đi học và đến 3 kì đi thực tập. 3 kỳ thực tập này đòi hỏi sinh viên phải tự chủ động tìm chỗ thực tập. Đây là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội. “Rất hiếm khi mình thấy một chương trình mà cho sinh viên tự do đến vậy. Tụi mình được tự do xây dựng lộ trình nghiên cứu, định hướng mình muốn theo, nơi mình muốn đi thực tập. Tận dụng lợi thế này, mình đã nộp đơn xin thực tập trên toàn châu Âu chứ không chỉ giới hạn ở hai nước theo học, và may mắn mỉm cười khi mình nhận được cái gật đầu từ một tập đoàn dược phẩm đa quốc gia chi nhánh tại Đức.” - Linh chia sẻ. Nếu các bạn có một sự chuẩn bị kỹ càng thì chắc chắc chắn không có bất kỳ một khó khăn nào nào có thể cản trở tới quá trình học tập của mọi người. Theo chia sẻ của Hải: “Mình đã quen với cuộc sống du học nên thích nghi rất nhanh”. Có thể thấy rằng, khi còn là sinh viên những năm đầu, hãy cố gắng chăm chút cho hồ sơ của bản thân để giành lấy cơ hội đi trao đổi. Bởi lẽ kinh nghiệm trao đổi không chỉ góp phần làm đẹp lý lịch khoa học mà còn giúp tăng kinh nghiệm tự lập và thích nghi với cuộc sống xa nhà. Câu chuyện ngoài lề “Học để Sống. Du học không chỉ là học, đó còn là Sống”. Thời của mình thì chưa có tiệc cuối năm (prom) nên mình không biết cảm giác đi prom là như thế nào. Lên đại học thì trường mình cũng không tổ chức buổi lễ khiêu vũ cuối năm (ball) nên mình không có cơ hội lên đồ đi quẩy. May mắn thay là trường KU Leuven của mình có tổ chức gala ball cuối năm học siêu hoành tráng và mình cực kì hào hứng. Tụi mình đã quẩy đến tận 3 giờ sáng và có rất nhiều kỉ niệm khó quên. Mình nghĩ đời sinh viên chỉ trải qua một vài lần thôi và chúng ta nên tận hưởng hết mình.” Hải chia sẻ. Khi sang một môi trường học tập với, nhất là những nước có văn hóa mở như ở Châu Âu, các bạn sẽ có thêm những cơ hội để giao lưu với bạn bè, để mở lòng mình cũng như có thêm cơ hội để thể hiện những tài lẻ của bản thân mình. V. Con đường sự nghiệp sau EM 1. Tại nước ngoài a, Môi trường Doanh Nghiệp (Industry) Hồ sơ cá nhân Họ và tên: Nguyễn Việt Linh Chương trình học: The Erasmus Mundus Master Course in Sustainable Transportation and Electrical Power Systems (EMMC STEPS) Quốc gia theo học: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Ý Niên khoá: 2015 - 2017 Quốc gia làm việc hiện tại: Hà Lan Lĩnh vực: Quảng cáo, rao vặt Nơi công tác: môi trường doanh nghiệp (Industry) Trial-and-error, dám thử-dám sai Trial-and-error, dám thử-dám sai chính là phương pháp mà anh Nguyễn Việt Linh đã sử dụng khi xác định mục tiêu và định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Anh Việt Linh từng theo học chương trình The Erasmus Mundus Master Course in Sustainable Transportation and Electrical Power Systems (EMMC STEPS) từ năm 2015 đến 2017. Hai năm học thạc sĩ, anh đã có trải nghiệm học tập tại nhiều quốc gia bao gồm: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh và Ý. Hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Lan, anh Việt Linh sẽ cho chúng ta những góc nhìn sâu rộng về con đường sự nghiệp sau khi tốt nghiệp thạc sỹ và làm việc ở châu Âu. Không giới hạn ngành nghề chỉ trong ngành học của mình Định hướng nghề nghiệp của anh Việt Linh là mong muốn được trải nghiệm ở nhiều ngành công nghiệp khác nhau, chứ không chỉ giới hạn trong ngành nghề mình theo học là kỹ sư điện. Hiện tại các ngành nghề liên quan đến khoa học sản phẩm, dữ liệu hay lập trình nói chung đều đang được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết môi trường làm việc. Những môn học này lại là một phần của chương trình Erasmus Mundus mà anh Việt Linh đã theo học, vậy nên nhờ những nền tảng đó, anh đã có thể tìm kiếm cơ hội việc làm ở các ngành khác nhau. Trial-and-error, dám thử-dám sai Những câu hỏi như “Mình muốn gì?” trông đơn giản nhưng có thể phải cần rất nhiều năm để tìm ra đáp án cho mỗi người. Sự chuẩn bị chỉ có thể đến khi chúng ta đã sẵn sàng với con đường của mình. “Riêng về bản thân, mình xác định được mục tiêu theo kiểu trial-and-error”anh Việt Linh chia sẻ. Bằng cách thử làm nhiều thứ trong một khoảng thời gian đủ dài, anh có thể xác định xem bản thân có hợp với lĩnh vực đó hay không. Quan điểm của anh là: Nếu mình không chắc công việc đó có phù hợp với bản thân hay không, chỉ thử mới có thể biết được. Vậy nên, ngoài các môn trong chương trình, anh cũng cố gắng học những môn ngoài chuyên môn như lịch sử, văn học, kịch nói, ngôn ngữ … từ cuối năm 1 cao học để khám phá hết tiềm năng và sở thích của bản thân. Một yếu tố quan trọng nữa với anh Việt Linh là việc nên có (nhiều) người hướng dẫn (mentor) để có thể rút ngắn được quá trình trial-and-error này. Người hướng dẫn không nhất thiết phải là đàn anh, đàn chị, người thầy mà có thể chỉ là những người mình quen biết qua mạng và muốn trao đổi với họ để học hỏi thêm. Trong trường hợp của anh Linh, người hướng dẫn của anh đều là những người dùng xa lạ trên nền tảng Reddit (Redditor). Anh thường đăng câu hỏi của mình lên các diễn đàn (subreddit), và khi ai đó trả lời, anh sẽ gửi tin nhắn riêng cho họ để kết nối và trao đổi thêm. Từ đó, mối quan hệ mentor-mentee bắt đầu. Đồng thời, mạng lưới (network) của anh Việt Linh cũng được xây dựng như vậy. “EM giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp hiện tại của anh” Trải nghiệm làm việc, học tập với nhiều người đến từ các nền văn hóa khác nhau là vô giá. Những kinh nghiệm đó khó hoặc gần như không thể tìm được ở trên Stackoverflow hay Google. Kiến thức lý thuyết trên sách vở thì có lẽ bây giờ đã được phổ cập toàn cầu, vì thế sự khác biệt khi đi học chương trình thạc sĩ EM đến từ những dự án, bài tập làm trực tiếp với nhiều bạn đến từ các quốc gia khác nhau. Làm việc trong môi trường đa văn hóa, đa quốc tịch, mình cũng học cách điều chỉnh, thích nghi trong giao tiếp. Đôi khi, nếu không cẩn thận trong giao tiếp hay những câu đùa, mình có thể vô tình gây tổn thương cho đồng đội hay thậm chí gây ra sự phân biệt đối xử không đáng có. EM đã đem đến những bài học cả trong trường học và trường đời, là sự chuẩn bị quý báu cho con đường sự nghiệp sau đó của anh Việt Linh. Điểm bắt đầu khi cất cánh Khi cầm trên tay chiếc vé máy bay đến châu Âu, cảm xúc lúc đó sẽ rất đặc biệt. Bạn đang chuẩn bị cất cánh rời khỏi Việt Nam, quê hương mình, đến với một chân trời mới, nơi mà bạn sẽ gặp được rất nhiều người mới. Hãy cởi mở trong giao tiếp. Ban đầu có thể các bạn e dè về tiếng Anh chưa hoàn hảo, nhưng mỗi quốc gia đều có những chất giọng riêng biệt, vì thế sẽ không ai phán xét khả năng của mình dựa vào cái giọng đặc trưng. Sự sẵn sàng giao tiếp không ngại sai sẽ giúp mình cởi mở và hòa nhập hơn với môi trường quốc tế. Anh Linh nhắn nhủ và chúc bạn thành công trên hành trình của mình. b, Nghiên cứu học thuật (Academia) Hồ sơ cá nhân: Họ và tên: Lương Mạnh Hà Chương trình học: European Master in Migration & Intercultural Relations (EMMIR) Quốc gia theo học: Đức, Na Uy, Slovenia Niên khoá: 2018 - 2020 Quốc gia làm việc hiện tại: Đức Lĩnh vực: Phi lợi nhuận Nơi công tác: Phi lợi nhuận, môi trường học thuật (Academia) Trong khi nhiều người quá đề cao từ khóa “đam mê” mơ hồ, anh cổ vũ cho việc “Kỹ năng đi trước đam mê” Đó là chia sẻ của anh Lương Mạnh Hà - một cựu sinh niên khóa 2018 - 2022, chương trình European Master in Migration & Intercultural Relations (EMMIR), hiện đang làm việc tại một tổ chức phi lợi nhuận tại Đức. Ngoài ra, anh còn tâm sự - “Kỹ năng đi trước Đam mê” là tựa tiếng Việt cho quyển sách của tác giả Cal Newport mà anh tâm đắc! Từ những bước chuẩn bị… Anh Hà cho biết, chính việc xác định cho bản thân những “kỹ năng” cụ thể mà anh đã không bị bỡ ngỡ khi lựa chọn định hướng nghề nghiệp - mà ở đây là đi theo con đường nghiên cứu học thuật - academia: “Anh đã có kinh nghiệm làm việc liên quan ở Việt Nam (tại tổ chức quốc tế và cơ quan ngoại giao) và xác định hướng đi cho mình từ khi ứng tuyển học bổng thạc sĩ EM, nên những công việc sau này cũng dựa trên mục tiêu từ trước.” Cụ thể, kinh nghiệm ở Việt Nam không những giúp anh bổ sung về kỹ năng chuyên môn như quản lý dự án, thực hành luật, nghiên cứu và phân tích dữ liệu mà còn hỗ trợ anh trau dồi thêm những kỹ năng mềm như giao tiếp liên văn hoá và quản lý thời gian. Tất cả những kỹ năng trên đã và đang giúp anh hoàn thiện theo đúng tiến độ dự án nghiên cứu hiện tại của mình và giáo sư. Nhưng trên hết, trong một xã hội hiện đại - nơi ranh giới giữa các lĩnh vực đang dần mờ đi, anh Hà tin rằng mỗi vị trí, công việc đều giúp anh hoàn thiện bộ kỹ năng của bản thân, từ đó có thể áp dụng cho tất cả ngành nghề khác nhau. Ngoài ra, để có thể xác định con đường tương lai rõ ràng, anh Hà đã có những sự chuẩn bị ngay từ khi bắt đầu quá trình học Thạc sĩ. Anh khuyến khích các bạn tận dụng tất cả những nguồn lực và cơ hội hiện có. Chẳng hạn, anh đã không ngần ngại liên hệ phòng Dịch vụ Hướng nghiệp (Career Services) và Sinh viên Quốc tế (International Students) nhằm nhận được hỗ trợ thêm về hồ sơ ứng tuyển cũng như hiểu biết về thị trường lao động nước sở tại. Ngoài ra, duy trì một tinh thần vững vàng là điều không thể thiếu. Vì vậy, anh cũng khuyến khích các bạn tìm đến sự giúp đỡ từ phòng Tư vấn tâm lý của trường khi cần thiết. Nhằm bắt đầu hành trình nghiên cứu thật suôn sẻ, việc chuẩn bị hành trang từ Việt Nam là điều cần thiết. Từ những vấn đề về mặt thủ tục và giấy tờ, đến việc lập một kế hoạch cụ thể để có thể theo sát cũng như điều chỉnh linh hoạt, anh Hà còn nhấn mạnh thêm những yếu tố như một tinh thần cởi mở và ham học hỏi nhằm dễ dàng trong việc giao lưu văn hoá. Với những nhà nghiên cứu tương lai có mong muốn được làm việc bên ngoài Việt Nam, Hà cũng lưu ý về vấn đề thị thực: “Các bạn nên tìm hiểu chính sách thị thực làm việc tại nước sở tại, và công ty/tổ chức có thể hỗ trợ làm thị thực”. … đến hành trình đặt nền móng cho công việc nghiên cứu tại châu Âu Mở rộng mạng lưới xã hội (networking) đóng góp một vai trò không kém phần quan trọng trong việc ổn định sự nghiệp. Trong suốt quá trình theo học EM, anh Hà đã mở mang hiểu biết bản thân và làm quen những người bạn mới qua những cuộc thi, dự án, câu lạc bộ và sự kiện ở trường cũng như thành phố mình sinh sống: “Anh từng tham gia cuộc thi về phát triển bền vững do trường và thành phố tại Na Uy tổ chức, và may mắn nhận giải Nhất cùng đội của mình. Ngoài giải thưởng tiền mặt và nhiều quyền lợi khác, anh có thêm quan tâm tới lĩnh vực này, cũng như kết nối thêm với nhiều người bạn hợp cạ.” Khi được hỏi về đóng góp của chương trình EMMIR cho sự nghiệp hiện tại của mình, anh Hà nói vui: “Công việc hiện tại của anh yêu cầu ứng viên có bằng Thạc sĩ, nên chương trình học đã giúp anh có được một trong những điều kiện cơ bản”. Thêm vào đó, anh Hà nhấn mạnh vào ba yếu tố: Kiến thức, Kỹ năng và Mạng lưới. Về kiến thức, anh đã được “hệ thống một cách nền tảng về chuyên môn của mình” dù chuyên ngành theo học bậc Thạc sĩ trái với bậc Cử nhân, giúp anh tự tin hơn khi theo đuổi công việc sau này. Không những được rèn giũa về kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm, qua chương trình EM, anh còn mở rộng kết nối với “các anh chị cựu sinh, bạn cùng lớp, giáo sư trong chương trình học cũng như cộng đồng du học sinh và người nước ngoài làm việc ở mỗi thành phố mình đến.” Hơn thế nữa, trang bị thêm một số những kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp qua học trực tuyến (Massive Open Online Courses - MOOCs) cùng việc học thêm ngôn ngữ nước sở tại cũng đóng góp một phần không nhỏ cho quá trình học tập và nghiên cứu thêm thuận lợi. Anh Hà gợi ý một số trang đào tạo trực tuyến như Coursera, EdX - nơi bạn có thể trau dồi những kỹ năng trên mà không phải lo lắng về vấn đề chi phí (có hỗ trợ tài chính cho ứng viên, hoặc học thử miễn phí). Kỹ năng nào giúp vượt qua sự vô định? Tuy nhiên, dù chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu, trong quá trình quyết định con đường sự nghiệp, ắt hẳn mỗi chúng ta sẽ trải qua những giây phút trăn trở, phân vân. Khi được hỏi về lời khuyên cho các bạn đang đối mặt với tình trạng trên, anh Hà muốn truyền tải: “Hãy xem xét môi trường bên ngoài cũng như tự vấn, chiêm nghiệm và điều chỉnh bản thân, tập trung phát triển thế mạnh và sở thích - như mô hình Ikigai (ảnh minh họa). Đừng dành quá nhiều công sức vào cải thiện điểm yếu, vì hiếm người có thể toàn tài được!” 2. Về Việt Nam a, Môi trường Doanh Nghiệp (Industry) Hồ sơ cá nhân Họ và tên: Lê Huy Nam Hiếu Chương trình học: International Master in Industrial Management (IMIM) Quốc gia theo học: Tây Ban Nha, Ý, Pháp Niên khoá: 2017-2019 Quốc gia làm việc: Việt Nam Lĩnh vực: IT/Technology Nơi công tác: (phân loại Academia, Industry): Industry Định hướng sự nghiệp dựa trên tính cách và mong muốn Theo học chương trình International Master in Industrial Management (IMIM) về quản lý công nghiệp, anh Lê Huy Nam Hiếu đã có cơ hội sinh sống và học tập tại ba quốc gia là Tây Ban Nha, Ý và Pháp. Lựa chọn trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp chương trình học thạc sĩ, anh Hiếu có nhiều chia sẻ hữu ích dành cho các bạn quan tâm tới định hướng trở về và làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Định hướng việc làm từ khi … tìm chương trình học Bên cạnh việc gắn bó lâu dài với môi trường academic trong các trường đại học, viện nghiên cứu, thì một con đường hấp dẫn khác cũng được rất nhiều sinh viên EM lựa chọn sau khi tốt nghiệp đó là ra ngoài làm việc cho môi trường doanh nghiệp - industry. Cơ hội làm việc cho các các công ty lớn, môi trường năng động và thu nhập tốt, là những yếu tố thu hút sinh viên. Tuy nhiên, để lựa chọn được công việc phù hợp nhất, việc cân nhắc đặc điểm tính cách và mong muốn của bản thân là điều cần thiết. Anh Hiếu hiện đang công tác trong lĩnh vực phần mềm, ngành công nghiệp ô tô. Anh chia sẻ rằng “mình xác định hướng đi từ khá sớm (năm đầu tiên) là sẽ không đi về hướng nghiên cứu học thuật ngay sau khi hoàn thành khóa học. Định hướng này được xác định dựa vào tính cách và mong muốn nghề nghiệp: làm việc trong môi trường lớn, ngành công nghiệp mũi nhọn, quy trình rõ ràng, nhiều đồng nghiệp, nơi mình có thể có đủ tài nguyên để học và đủ thử thách để phát triển bản thân và tính cách”. Với định hướng này anh Hiếu cũng xác định rõ những vị trí, công việc có thể làm với chương trình mình học, “từ đó mình tranh thủ lấy thêm chứng chỉ chuyên môn (professional certificate) và tìm kiếm cơ hội thực tập/đào tạo ở các doanh nghiệp, sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh” - anh chia sẻ thêm. EM – bước chuẩn bị cho sự nghiệp Nội dung các chương trình học EM thường được xây dựng dựa trên thực tế làm việc. Anh Hiếu cũng chia sẻ rằng các kiến thức anh được học từ chương trình IMIM đã giúp anh tiếp cận vấn đề nhanh hơn khi đi làm thực tế. Các môn học cũng giúp anh mở mang hơn về cách suy nghĩ, mang đến những góc nhìn đa chiều hơn khi nhìn nhận một vấn đề và từ đó tìm ra phương hướng giải quyết nhanh hơn. Ngoài ra, việc “quen thuộc với môi trường đa dạng về văn hoá, phù hợp với định hướng làm việc cho các công ty đa quốc gia, đó là một trong những ưu điểm của các chương trình EM được nhiều người biết đến và đánh giá cao sinh viên từ đấy”, anh Hiếu cho biết thêm. Lựa chọn quốc gia làm việc sau khi tốt nghiệp Dù là ở lại châu Âu, về Việt Nam, hay sang một quốc gia khác, sự lựa chọn sớm là điều nên có. Nếu bạn muốn ở lại châu Âu, thì bạn nên xác định quốc gia bạn muốn ở, và có thời gian để học ngôn ngữ ở đó. Một số ngành nghề có thể chỉ cần tiếng Anh là đủ, nhưng để hòa nhập cuộc sống (cũng như thêm các cơ hội) thì ngôn ngữ là một trong những thứ tiên quyết. Bên cạnh đó, lựa chọn phát triển sự nghiệp cũng là một con đường đầy tiềm năm khi mà: “Ở Việt Nam rất đa dạng cơ hội, ngôn ngữ cũng là thế mạnh. Kinh tế Việt Nam đang trong đà phát triển, nhiều tập đoàn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn từ châu Âu. Với nền tảng học tập tại Châu Âu, đây là một cơ hội để mình phát triển nhanh hơn và có nhiều sự lựa chọn cho công việc hơn, đóng góp như một cầu nối giữa Việt Nam và châu Âu”, anh Hiếu chia sẻ thêm. Networking và Networking! Để thành công trong môi trường làm việc chuyên nghiệp và đa văn hoá, kỹ năng xây dựng, mở rộng các mối quan hệ - networking là không thể thiếu. Sau quãng thời gian học tập tại châu Âu, anh Hiếu cho rằng để networking hiệu quả thì kỹ năng tự tìm hiểu thông tin, cách đặt câu hỏi, sẽ giúp bạn được điều bạn muốn nhanh hơn. Ngay cả sau khi kết thúc chương trình học, bạn vẫn có thể tiếp tục mở rộng mối quan hệ xã hội của mình bằng LinkedIn - một kênh kết nối phổ biến. Đặc biệt, “bạn có thể thực hiện một vài nghiên cứu nhỏ trên LinkedIn để biết rõ hơn về con đường sự nghiệp mà bạn muốn, và cần chuẩn bị những gì để theo đuổi nó”, anh chia sẻ. Đôi khi trong chặng đường du học, các bạn có thể có những lúc phân vân, lưỡng lự trước nhiều sự lựa chọn khác nhau. Những lúc này, anh chia sẻ rằng “mình nên đặt ra những tiêu chí mình mong muốn, đánh giá cơ hội, và đưa ra lựa chọn phù hợp nhất dựa trên các tiêu chí đó”. Và để có thêm thông tin cho quyết định, networking… luôn luôn, là một kĩ năng hữu hiệu! b, Nghiên cứu học thuật (Academia) Hồ sơ cá nhân Họ và tên: Nguyễn Thị Ánh Dương Chương trình học: Erasmus Mundus Master of Science in Nematology (EUMAINE) Quốc gia theo học: Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha Niên khoá: 2009-2011 Quốc gia làm việc: Việt Nam Lĩnh vực: Tuyến trùng học Nơi công tác: Phòng Tuyến trùng học, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Môi trường học thuật) ● Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2017. ● Một trong năm đại biểu của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam tham dự đại hội thi đua yêu nước năm 2020. Lựa chọn hướng đi sự nghiệp trước khi ứng tuyển học bổng, giữ lửa đam mê sau khi tốt nghiệp Học bổng EM có thể là một chiếc chìa khóa quan trọng mở ra cánh cửa sự nghiệp, nhưng trước đó, mỗi ứng viên cần lựa chọn đúng hướng đi từ sớm để có thể giữ lửa đam mê cho con đường dài sau này. Đó cũng là thông điệp chính mà chị Nguyễn Thị Ánh Dương - chương trình Erasmus Mundus Master of Science in Nematology (EUMAINE) khoá 2009 - 2011 gửi đến các “thợ săn học bổng” khi chia sẻ về trải nghiệm con đường học thuật và nghiên cứu tại Châu Âu và Việt Nam. Chuẩn bị dài hơi cho con đường học thuật Quá trình chuẩn bị ứng tuyển cho học bổng có thể kéo dài từ vài tháng cho đến vài năm tuỳ thuộc vào quỹ thời gian và kinh nghiệm của từng ứng viên. Tuy nhiên, có một quá trình dài hơi hơn cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi bạn bắt đầu hành trình của “những kẻ mộng mơ một cách có cơ sở”, đó là quyết định xem bạn sẽ ở đâu, là ai sau khi tốt nghiệp. Đây cũng là những câu hỏi phổ biến bạn phải đối mặt khi viết thư động lực và trả lời phỏng vấn trước hội đồng xét duyệt. Ý tưởng cho câu trả lời có thể được tìm thấy ở phần mô tả định hướng nghề nghiệp trên website của các chương trình EM. Nhưng thay vì điều chỉnh bản thân cho phù hợp với chương trình, chân thật với nguyện vọng của chính mình mới là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu. Vì điều bạn phải đối mặt không chỉ là qua vượt qua vòng tuyển sinh giành được học bổng mà còn là cả một sự nghiệp phía trước. Do đó, xác định được đúng hướng đi ngay từ đầu là rất quan trọng. Đa số những ứng viên thành công đều xác định con đường sự nghiệp từ rất sớm, dù là theo đuổi con đường học thuật hay ra ngoài làm việc tại các công ty, tiếp tục sự nghiệp ở nước ngoài hay về Việt Nam. Chị Ánh Dương chia sẻ rằng mình đã lựa chọn hướng đi cho mình từ trước khi ứng tuyển cho chương trình EUMAINE. Nhờ có định hướng sớm nên chị xác định xin làm việc tại nơi nghiên cứu đúng lĩnh vực mình quan tâm, “để chuẩn bị cho việc xin học bổng thạc sĩ mình đã phải chuẩn bị trước hai năm, từ khi mình xin vào làm việc tại Phòng Tuyến trùng học, Viện Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ngoài ra học bổng của mình cũng yêu cầu ứng viên phải làm việc trong chuyên ngành này ít nhất là hai năm tại các tổ chức nhà nước hoặc phi chính phủ cho tới thời điểm xin học bổng nên việc định hướng sớm là rất cần thiết. Sau đó trong thời gian làm việc thì mình vừa học vừa chuẩn bị thi chứng chỉ International English Language Testing System (IELTS) và đặc biệt là công bố các bài báo khoa học trên tạp chí chuyên ngành. Thời điểm mình nộp hồ sơ, trong các tiêu chí đánh giá, quan trọng nhất là chuyên ngành của mình, bên cạnh đó thì việc chuẩn bị Tiếng Anh, GPA, thư giới thiệu và các bài báo khoa học cũng là một trong các tiêu chí học bổng xem xét.” Học bổng EM - con đường tốt nhất để đi đến và quay lại Châu Âu bằng năng lực học thuật Phía sau cánh cửa học bổng, câu chuyện đi hay ở, làm việc trong môi trường học thuật hay doanh nghiệp là những băn khoăn phổ biến với du học sinh. Bạn có thể dao động, có thể cân nhắc và suy nghĩ, nhưng chắc chắn trải nghiệm do các chương trình EM mang lại sẽ giúp bạn tiến một bước dài trên con đường sự nghiệp. “EM đã giúp mình rất nhiều trong sự nghiệp. Mình không biết có phải do EM nổi tiếng trên toàn thế giới không nữa. Nhưng khi học xong thạc sĩ bằng học bổng của EM, mình có quay về Việt Nam làm việc hai năm nữa rồi mới xin học bổng chính phủ Đức (DAAD) cho chương trình nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Khi mình xin học bổng DAAD, lúc phỏng vấn thì các giáo sư ngồi hội đồng cũng đã gật gù với hồ sơ của mình. À, ứng viên này đã dành được học bổng EM hồi thạc sĩ rồi này. Hoặc khi sang làm nghiên cứu sinh bên Đức, mình phải trình hồ sơ lên hội đồng khoa, giáo sư của mình cũng giới thiệu mình với hội đồng, bạn Ánh Dương này đã học EM tại châu Âu, làm luận văn thạc sĩ bên Tây Ban Nha. Thế là hồ sơ của mình qua luôn, không cần kiểm tra gì thêm nữa”, chị Ánh Dương chia sẻ. Câu chuyện của chị Ánh Dương cũng là một con đường phổ biến với những ai theo đuổi con đường học thuật và đam mê nghiên cứu. Thông thường, các sinh viên EM sau khi tốt nghiệp thạc sĩ sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp tục học tập, làm nghiên cứu sinh tiến sĩ (PhD) tại châu Âu, xa hơn nữa là PostDoc, giảng dạy tại các trường đại học. Bên cạnh đó, EM cũng mang lại những lợi thế tương tự cho những người định hướng theo industry, con đường mà sẽ được thảo luận rõ hơn trong bài viết khác ở mục này. Giữ lửa đam mê nghiên cứu Theo đuổi một sự nghiệp học thuật không bao giờ là một con đường dễ dàng, mà ở đó sức khỏe (thể chất) và đam mê (tinh thần) là những yếu tố hàng đầu sẽ giúp bạn cân nhắc và giữ bạn ở lại. Với công việc nghiên cứu, chị Ánh Dương tâm sự rằng “khi mình lựa chọn nghề nghiệp thì hầu như mình không phân vân bao giờ. Vì là việc mình thích nên mình luôn cố gắng và nỗ lực để đạt được kết quả cao nhất. Mình làm việc với đối tượng sinh vật nhỏ bé, không nhìn được bằng mắt thường (tuyến trùng sống tự do trong đất). Khi làm việc với đối tượng này, công việc yêu cầu bạn phải đi thực địa nhiều, đến những vùng đất mà ít người đặt chân tới, khi thu được mẫu thì bạn phải vác ba bô đất lên tới mấy chục kilogam. Về phòng thí nghiệm, để có mẫu nghiên cứu và quan sát dưới kính hiển vi, bạn phải tách lọc chúng qua khá nhiều bước. Nếu không có đam mê chắc bạn sẽ sớm chán vì công việc khá vất vả”. Thay cho lời kết, hi vọng rằng lời khuyên của người đi trước sẽ giúp ích cho những ai đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời: “các bạn trẻ hãy dám nghĩ, dám làm và luôn nhìn mọi việc dưới con mắt tích cực, tìm được niềm vui trong những sự lựa chọn của mình. Chính cách nghĩ của bạn đã định hướng và quyết định tới con đường mà bạn đã chọn. Sau đó là cố gắng, nỗ lực để đạt được mục tiêu” - chị Ánh Dương. VI. Phân tích thư động lực mẫu 1. Phân tích thư động lực ngành Khoa Học Xã Hội - Nhân Văn Việc đọc và phân tích tiêu chí của học bổng cũng như chương trình học là bước tiên quyết để có một bức thư động lực “có sức nặng” và thuyết phục được hội đồng tuyển sinh. Bởi vậy, trước khi đến phần phân tích thư động lực của ứng viên, hãy cùng phân tích các tiêu chí đánh giá của một chương trình cụ thể là Master of Arts Euroculture, để thấy được thư động lực dưới đây đã đáp ứng được nó như thế nào? Các tiêu chí đánh giá ứng viên được chương trình công khai trên website cụ thể như sau, bao gồm bộ tiêu chí chính và phụ: Primary Assessment Criteria17 ● An appropriate and detailed motivation to study the Euroculture programme (including the applicant’s expectations). ● A study background in an appropriate academic field. Prospective students of Euroculture must hold a ● ● ● ● Bachelor degree (or equivalent) in a discipline of relevance to Euroculture. This should be a degree in the Arts, Humanities, or Social Sciences, such as: International Relations, European Studies, History, Cultural studies, Literary Studies, Sociology, Political Sciences, Anthropology, Philosophy, Communication and Media Studies, International/ European Law, Theology. A study background of appropriate academic quality. Prospective students of Euroculture must hold a Bachelor degree (or equivalent) that meets the quality standards to allow entry to a European Master degree. To account for this, the length of your studies, the quality of any submitted pieces of academic writing, and your grades are assessed. A study background at an appropriate Higher Education Institution. Prospective students of Euroculture must hold a Bachelor's degree (or equivalent) that has been awarded by a recognized higher education institution. A study background with sufficient experience with academic writing. Prospective students of Euroculture must have affinity for and experience with writing in an academic context. Any submitted research paper or other form of academic output written inside or outside the university context is taken into consideration during assessment. A highly relevant submitted paper or thesis warrants extra points. A study background with an appropriate level of spoken and written English. Prospective students of Euroculture must be able to speak and write in English with the appropriate skill for a Master-level programme. The exact English language requirements posited by the Euroculture programme can be found here. Secondary Assessment Criteria ● Work or study experience abroad such as an Erasmus semester, summer schools, or full degree programmes taken in a country other than your own. ● Student mobility experiences, such as semesters abroad or other kinds of exchange programmes, showing that you are prepared to be mobile and discover different cultures. 17 https://www.facebook.com/EMAVietnam ● Work experience in fields related to Euroculture such as jobs and/or internships in governmental, inter● ● ● governmental, and/or nongovernmental organisations and institutions. Language skills for languages other than English. You will have to use the Common European Framework of Reference for Languages for indicating your skill level in any language mentioned during your application. Personal competences, referring to general abilities and qualities relevant for a successful participation in Euroculture. This includes the ability to work and learn in an interdisciplinary and intercultural environment or to handle a demanding workload. The competencies, skills and achievements mentioned in the reference letters will also be taken into consideration. Other extra-curricular activities indicating that you are an active and engaged student outside your degree programme. Applicants are warmly invited to share on their CV or motivation letter extra experiences that they deem as being useful to being a Euroculture student. Sau khi đã đọc kỹ những tiêu chí đánh giá của chương trình, hãy tự mình nhìn lại những tiêu chí ấy và kết nối đến hồ sơ của bản thân để xem bạn có phải là ứng viên mà chương trình đang tìm kiếm không? Bởi một ứng viên xuất sắc không bằng một ứng viên phù hợp. Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc xem đâu là những tiêu chí có thể trả lời được trong CV, thư giới thiệu, đâu là những tiêu chí sẽ phải xuất hiện trong thư động lực? Dưới đây là thư động lực mẫu của một ứng viên Việt Nam cho chương trình này. Thư động lực mẫu Dear Sir and Madam, My name is XXX, and I am writing to apply for the Erasmus Mundus Master of Arts in Euroculture: Society, Politics, and Culture in a Global Context. With my solid background and professional experiences, I passionately believe that I am among the top Vietnamese candidates for any postgraduate European and International studies-related program. I have developed strong interests in the international studies field, as I support the opinion that politics, law, or economics alone are insufficient to address any challenges. Nonetheless, the multidisciplinary approach (incorporating insights and methodologies from political science, sociology, history, law, and economics) has the potential to succeed. That is also why I enrolled myself at the only International Studies English-taught program in XXX University, where I graduated with the top 1% ranking, outperforming over 60 students in my Faculty in academic achievement. Aside from my studies, I attempt to grasp as many relevant experiences as possible since understanding the underlying background of social science at the regional and international level is essential to providing scientific research which aims to design future domestic and international undertakings and policies. In my last year of university, I was awarded the Erasmus+ International Credit Mobility for studies and traineeship at UHasselt, Belgium. These first international experiences have also affirmed my passion for European Studies. It has given me the fortitude to assert and pursue my ambition to become a professional in this field. Continuing along this professional path as an enthusiast in the field of European studies, I chose my thesis topic about "COVID-19 pandemic and the resurgence of nationalism in Europe – Case study: Italy and Germany." At that time, the World Health Organization designated Europe as the "epicenter" of the epidemic with dangerously growing fatality rates. I was also the one who lived through these days when Europe was abruptly entangled in the COVID-19 pandemic. Indeed, COVID-19 has caused tremendous damage in Europe in various ways, ranging from the considerable burden exerted on the European healthcare system to the EU's reversal of integration progress. While the countries with the high number of virus infections and deaths, such as Italy, sought Europe for more immediate aid as the pandemic stagnated their economy, Germany opposed the "Corona bond" to protect their economy first as the epidemic intensified. It caused some to question the EU's solidarity and the true meaning of the integration process. It is precisely why I chose this topic for my graduation thesis. Furthermore, as stated by the Director-General of the WHO on December 30th, 2021, some countries' narrow nationalism and vaccine hoarding have undermined equity and created the ideal conditions for the emergence of the Omicron variant among nations. If people can end this inequity, people can end the pandemic together. Furthermore, considering that previous worldwide pandemics, such as SARS, MERS, H1N1, Ebola, and even COVID 19, all came as a surprise, do the European government and people have any preparation for the next pandemic when they have such a clear warning? From that point, my ultimate objectives are i) to become a specialist in European Studies, particularly to pursue study on European society in regards to pandemics, ii) to have international experience to adopt a sustainable multidisciplinary approach in this field of study, becoming a university lecturer on European Studies in Vietnam. Hence, I would like to apply for the Erasmus Mundus scholarship to continue my study. Firstly, receiving an outstanding scholarship as the Erasmus Mundus will allow me to pursue a Master's program in European Studies. As a result, I can follow my passion and fulfill my aspiration of becoming a professional in this sector. Secondly, my international educational experience will positively influence my future career since I have the opportunity to acquire globally standardized and recognized skills. Finally, receiving the Erasmus Mundus scholarship will enable me to live and study in various European nations, where different values and beliefs are appreciated and respected. This is a great experience for me since it allows me to understand European people and cultures better via first-hand experiences and extend my viewpoint on life and work while creating a robust social network with scholars in Europe. In conclusion, with a solid background, prior experience, and a burning desire for a long-term career, I believe that I will reach my full potential if I have your support. Thank you for taking the time to evaluate this application, and I eagerly await your response. Best regards, XXX Phân tích Điểm mạnh Nhìn chung, bức thư có cấu trúc khá rõ ràng, đáp ứng được một số tiêu chí mà chương trình đưa ra ở trên, thể hiện được mối quan tâm của ứng viên có liên quan đến chương trình. (i) Cách viết có câu luận điểm cụ thể cho mỗi đoạn, khiến người đọc dễ dàng theo dõi được ý chính của từng đoạn và cấu trúc chung của bức thư. (ii) Dung lượng phù hợp với thư động lực (khoảng 400-600 từ; 1,5 trang giấy). đưa ra. (iii) Có nhấn mạnh được các điểm sáng của CV phù hợp với tiêu chí của chương trình ● Work or study experience abroad/Mobility experience: “the Erasmus+ International Credit Mobility for studies and traineeship at UHasselt, Belgium” ● Appropriate academic quality: “International Studies”; "I graduated with the top 1% ranking” ● Background with sufficient experience with academic writing: “I chose my thesis topic about "COVID-19 pandemic and the resurgence of nationalism in Europe – Case study: Italy and Germany. Điều có thể học hỏi: Ứng viên nên thể hiện rõ được động lực của bản thân với ngành mình học, rằng mình đã có những bước đi trước đó (như ngành học bậc đại học, việc làm nghiên cứu, khoá luận) thể hiện được sự yêu thích và hứng thú với ngành này. Điểm yếu Về mặt nội dung, (i) yêu cầu cho tiêu chí tiên quyết kỳ vọng của ứng viên về chương trình “the applicant’s expectations” chưa được làm rõ, trong khi đây là yếu tố chỉ có thể nêu ra ở thư động lực. Mặc dù đã có đề cập ở đoạn cuối cùng của bức thư, những câu văn như dưới đây còn quá chung chung, chưa rõ ràng và thấy được những kỳ vọng cụ thể của ứng viên khi tham gia chương trình. “…will positively influence my future career since I have the opportunity to acquire globally standardized and recognized skills” “...allows me to understand European people and cultures better via first-hand experiences and extend my viewpoint on life and work while creating a robust social network with scholars in Europe” Gợi ý: Ứng viên có thể cụ thể hơn bằng việc lựa chọn một vài môn học cụ thể, kỳ thực tập với đối tác, hoạt động trường hè của chương trình để kết nối, nêu bật lên đó là các kỹ năng gì? Cũng có thể kết nối đến vấn đề nổi cộm mà ứng viên đang quan tâm ở đoạn trên, xem liệu chương trình sẽ đóng góp thế nào vào việc giải quyết vấn đề đấy, dù là ở một khía cạnh rất nhỏ. Sự kỳ vọng của ứng viên là rất quan trọng để hội đồng học bổng xác định xem ứng viên đã thực sự hiểu rõ về chương trình hay chưa, xác định xem đâu là ứng viên phù hợp với chương trình. (ii) Có những ý được nêu ra nhưng chưa có bằng chứng thuyết phục, việc dùng từ còn chưa bao quát được ý của đoạn. “With my solid background and professional experiences, I passionately believe that I am among the top Vietnamese candidates...” Mặc dù “solid background” có được thể hiện rất rõ qua khả năng học thuật, nghiên cứu của ứng viên này, “professional experiences” chưa được đề cập qua bất cứ đoạn nào ở dưới, thiếu các ý luận cứ hỗ trợ, bởi vậy nên được cân nhắc để lược bỏ tránh việc đề cập sáo rỗng. Thêm nữa, cụm “solid background” đã bao gồm “academic” và “professional experience” nên việc sử dụng thêm cụm này là không cần thiết. (iii) Dù đã có viết câu luận điểm, nhiều đoạn còn thiếu sự liên kết của câu chuyện, có những đoạn bị tiếp cận vồ vập, rời rạc. “Firstly, receiving an outstanding scholarship as the Erasmus Mundus will allow me to pursue a Master's program in European Studies…” Không nên bắt đầu đoạn văn mà không có câu luận điểm, không hề có sự kết nối đến các đoạn văn ở bên trên. Ngay cả về mặt nội dung, ứng viên cũng chưa thể hiện được sự liên kết đến những gì mình đã nói ở bên trên. Gợi ý: Sử dụng các cụm từ kết nối, xâu chuỗi các ý thành câu chuyện hợp lý để việc đọc thư trở nên lôi cuốn hơn. Bên cạnh đó, ứng viên cũng nên kết nối về mặt nội dung như là việc nêu ra vấn đề quan tâm ở đoạn trên, rồi sau đó chỉ ra chương trình sẽ giúp ứng viên giải quyết nó thế nào? (iv) Chưa tận dụng được hết các điểm mạnh để kết hợp đáp ứng một lúc nhiều tiêu chí, mà chỉ lặp lại thành tích đã đề cập trong CV. “In my last year of university, I was awarded the Erasmus+ International Credit Mobility for studies and traineeship at UHasselt, Belgium. These first international experiences have also affirmed my passion for European Studies. It has given me the fortitude to assert and pursue my ambition to become a professional in this field.” Ví dụ như tiêu chí phụ gồm có “Work or study experience abroad/Mobility experience” và “the ability to work and learn in an interdisciplinary and intercultural environment or to handle a demanding workload.”. Tuy nhiên, ở thư này, ứng viên mới chỉ đề cập đến tiêu chí đầu tiên - có phần hơi lặp lại CV, chưa thấy được những trải nghiệm và khả năng làm việc học tập trong môi trường đa văn hoá, chưa thấy được trải nghiệm quý giá nào ứng viên học được. Mặt khác, câu cuối cùng còn sáo rỗng, hô hào, chưa thấy được bằng chứng cụ thể mà quá chung chung. Gợi ý: Thay vì chỉ đề cập lại hoạt động, giải thưởng nào đó đã nêu trong CV, hãy khéo léo cài thêm các trải nghiệm, những suy nghĩ, bài học nào đó giúp bạn thể hiện được động lực của bản thân, đáp ứng một lúc đồng thời nhiều tiêu chí tuyển chọn. Ở đây, ứng viên này có thể kết hợp đề cập đến chương trình học bổng cùng với các kỹ năng đã học được như là khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa hay học hỏi được gì từ chuyến đi, nâng cao ngôn ngữ địa phương. Về hình thức, thư động lực trên cần chú ý về hình thức của một bức thư bằng tiếng anh, vi phạm các quy tắc khi lùi vào đầu dòng ở mỗi đoạn. 2. Phân tích thư động lực ngành Kỹ Thuật - Công Nghệ Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng phân tích bức thư động lực mẫu của một ứng viên Việt Nam cho chương trình Photonics for Security Reliability and Safety (PSRS). Nhưng trước khi đi vào bài viết, hãy cùng điểm qua các tiêu chí và yêu cầu của chương trình. Tiêu chí đánh giá ứng viên18: 1. Tiềm năng và kết quả học tập: 50% a. Xếp hạng/ mức độ uy tín của trường Đại học: 10% b. Điểm số bậc cử nhân (xếp loại): 20% c. Sự tương thích giữa ngành học bậc Cử nhân và chương trình: 20% 2. Kinh nghiệm: 30% a. Kinh nghiệm nghiên cứu, đi làm, hoặc quốc tế: 20% b. Thư giới thiệu: 10% 3. Thư động lực: 20% 4. Năng lực tiếng Anh: TOEFL ít nhất 90 hoặc IELTS ít nhất 6.5. Yêu cầu cho thư động lực19: Be up to the point, no more than 1000 words A motivation letter must contain information about the applicant’s reason for applying, his/her interest in the programme, his/her ideas of applied research and his/her professional development plan. In addition: State and argument your preferred choice of mobility for semester 3, and/or rank your preferences for semester 3 Clearly declare that you’ve never benefited from an Erasmus Mundus Master Course grant Indicate your references (contact details of two people with whom you have worked) 18 https://www.tyden.cz/rubriky/domaci/cizinci-v-cesku/vlada-stopla-viza-vietnamcum-kvuli- mafianskym-praktikam_90845.html) 19 https://www.ectplus.eu (Yêu cầu của thư giới thiệu chỉ xuất hiện khi ứng viên truy cập vào trang web nộp hồ sơ) Bài luận: Dear Photonics for Security Reliability Safety (PSRS) committee, I am writing this letter to express my interest in the curriculum and dynamism of the PSRS program along with many opportunities to join in either academic partners or industrial partners. I was born and raised in a poor rural area, hence my exposure to knowledge was quite limited. Until high school, when I read a large number of books on theoretical physics and biology, I was gradually passionate about medical physics. That passion kept growing and brought me to the Biomedical Engineering major of the Faculty of Applied Science - Ho Chi Minh City University of Technology. Throughout studying at the university, general courses such as Calculus, Linear Algebra, Statistical Probability, Fourier transform, Fundamentals of Physics have provided me with a solid theoretical foundation. and sharp scientific thinking. After that, when studying specialized subjects, I especially paid attention to the direction of “the Application of the NIR technique in dental” in the Engineering Optics and Applications course. This technique made me curious because of the ability to detect early dental lesions and prevent radiation risk as in the X-rays technique. I decided to join Dr. Hai Mien's NIR team at the National Key Laboratory of Digital Control and System Engineering laboratory to compare its effectiveness with X-ray and find more lesions that NIR technology can detect. I gained more knowledge about tooth tissue's absorption and scattering properties from this research. Through taking images of tooth samples in the laboratory, I understood the mechanism that makes the difference between normal and damaged tooth tissue on NIR images. Furthermore, I realized that the nature of my research is light-tissue interaction, hence I studied Monte Carlo simulation. Working at DSCELab has sharpened my scientific thinking and research skills. I have found some exciting programs such as Nano-Photonics of KAIST institute - Korea, Europhotonics, and PSRS. However, I find that the PSRS program is extremely suitable for me because its curriculum is very flexible along with a combination of in-depth knowledge of optics - photonics and practical sessions at the end of each module. When finding out the syllabus of the modules in the program, I was especially impressed with the Physical and Fourier Optics module because it helped me investigate optical systems along with interference and diffraction phenomena. Besides, it also enhances my Fourier transform skill in the image and optical data processing. In addition, I believe that studying the Micro – Nanophotonics 1 module (in the 2nd semester) and Micro - Nanophotonics 2 module (in the 3rd semester) is very important in studying nanomaterials. They will provide knowledge of properties of the light field, computational electromagnetics, and deep knowledge of plasmonics. In addition, I will be trained in Deep Learning and Machine Learning - an effective tool for researchers when working with a large number of samples. At the end of the PSRS program, I will have many opportunities to do internships and master thesis at the partners of the program. For the reason mentioned above, I decided to study at Jean Monnet University in the 3rd semester. After completing my Master's program, I desire to develop at the Ph.D. level to discover more special optical properties of nanomaterials. Unfortunately, upon graduating, my family suffered a financial issue that caused me to postpone my application to the PSRS program. To help my family financially, I worked as an application engineer at Tam Hop Trading Company. My passion for research motivated me to contact Dr. Mien to continue my research at the DCSELab in parallel with working at the company. In the beginning, I was struggling with time management. After that, I got used to it and was able to manage my time properly. Specifically, I often went to the lab to capture NIR images or classify tooth samples in the evening after work. On weekends, I evaluated the dental lesions with the dentist on the images that I have taken. Thanks to my steady and disciplined efforts to conduct research, I succeeded in my oral presentation in the International Symposium on Applied Science (ISAS) and submitted a paper in the Journal Science and Technology Development– Engineering and Technology in 2021. Up to now, my family has settled down and I realized that I am only suitable for scientific research. I boldly resigned from the company and decided to apply for the PSRS program. I strongly believe that, with my passion for optics and photonics, my good background, along with my research experiences, I will be a bright student in the program. I hereby declare that I have not received any scholarship from the Erasmus Mundus Master Course grant. I am very grateful for your consideration of my profile and application. I will be happy if I have the opportunity to share more about my life, my motivations, and my aspirations. You can contact my supervisor – Dr. A (email: [email protected], mobile: +84x) or my manager – Mr. B (email:[email protected], mobile: +84y) to get further information about me. Sincerely, Điểm mạnh Bức thư trên nhìn chung đã đáp ứng được một số tiêu chí và yêu cầu mà chương trình đề ra và thể hiện được mối quan tâm của ứng viên có liên quan đến chương trình. (i) Độ dài đạt yêu cầu (khoảng 800 chữ). (ii) Thể hiện rõ được các tiêu chí sau: ● Kinh nghiệm nghiên cứu: "I succeeded in my oral presentation in the International Symposium on Applied Science (ISAS) and submitted a paper in the Journal Science and Technology Development– Engineering and Technology in 2021." ● "preferred choice of mobility for semester 3", ● "declare that you’ve never benefited from an Erasmus Mundus Master Course grant", ● "references". (iii) Thể hiện được "interest in the programme": "... the PSRS program is extremely suitable for me because its curriculum is very flexible along with a combination of in-depth knowledge of optics - photonics and practical sessions at the end of each module." "When finding out the syllabus of the modules in the program, I was especially impressed with …" dù còn hơi chung chung. Gợi ý: để trả lời cho câu hỏi "interest in the programme", ứng viên có thể nói về đặc thù của chương trình, hay ứng viên đặc biệt quan tâm đến phần nào, hay hướng nghiên cứu của giáo sư nào, vì sao? (iv) Thể hiện được "ideas of applied research" thông qua trải nghiệm ở DCSE Lab. Ứng viên có thể kết hợp cả giai đoạn trước và sau tốt nghiệp để câu chuyện về quá trình nghiên cứu trở nên mạch lạc hơn, và làm rõ được kết quả của quá trình ấy là bài thuyết trình và bài báo khoa học. "... compare its effectiveness with X-ray and find more lesions that NIR technology can detect. I gained more knowledge about tooth tissue's absorption and scattering properties from this research. " "Furthermore, I realized that the nature of my research is light-tissue interaction …" Điểm yếu: (i) Yêu cầu cho tiêu chí "reason for applying" và “professional development plan” chưa được làm rõ, trong khi đây là yếu tố quan trọng và chỉ có thể nêu ra ở thư động lực. ● "... I am only suitable for scientific research … decided to apply for the PSRS program." ● Dù có nêu ra mong muốn học PhD nhưng ứng viên còn khá chung chung về hướng nghiên cứu. “I desire to develop at the Ph.D. level to discover more special optical properties of nanomaterials.” Gợi ý: Ứng viên có thể sắp xếp lại cấu trúc bài viết như sau để nêu bật lên được "reason for applying" và “professional development plan” Phần 1. Giới thiệu sơ lược bản thân và ngành học Cử nhân. Phần 2. Kinh nghiệm nghiên cứu/đi làm 1. Động lực bắt đầu nghiên cứu 2. Chủ đề nghiên cứu và bài học rút ra (trả lời cho câu hỏi "ideas of applied research") 3. Quá trình tiếp tục nghiên cứu sau khi tốt nghiệp và thành quả 4. Mong muốn học tiếp lên thạc sĩ (trả lời cho câu hỏi ""reason for applying") 5. Có thể nêu thêm kinh nghiệm đi làm ở công ty để làm rõ hơn động lực khiến ứng muốn theo đuổi con đường học vấn? ("reason for applying") Phần 3. Tại sao lại chọn chương trình? 1. Chương trình có gì hấp dẫn, thông qua điểm đặc thù, định hướng nghiên cứu, phòng thí nghiệm hay cơ sở vật chất? (trả lời cho câu hỏi "interest in the programme") 2. Tại sao ứng viên xứng đáng với học bổng? Học bổng sẽ giúp ứng viên như thế nào? 3. Định hướng sau khi tốt nghiệp (trả lời cho câu hỏi "professional development plan") Phần 4. Kết luận Ngoài ra, bài luận vấp phải một số điểm không nên như: (ii) Đề cập hoàn cảnh gia đình: vì điều kiện gia cảnh không gắn với tiêu chí tuyển sinh của chương trình. Ngoài ra, ứng viên cũng không nêu được hướng giải quyết sau khi đề cập gia cảnh hoặc lấy đó làm tiền đề cho động lực phấn đấu. (iii) Đề cập hoặc lặp lại những điều đã rõ: ● Liệt kê nhiều môn học đại cương: "general courses such as Calculus, Linear Algebra, Statistical Probability, Fourier transform, Fundamentals of Physics" ● Liệt kệ lại chương trình học: "... Micro – Nanophotonics 1 module (in the 2nd semester) and Micro - Nanophotonics 2 module (in the 3rd semester) is very important in studying nanomaterials … I will be trained in Deep Learning and Machine Learning … I will have many opportunities to do internships and master thesis at the partners of the program." ● Lặp lại hoạt động nghiên cứu: "I evaluated the dental lesions with the dentist on the images that I have taken" giống với " ...Through taking images of tooth samples in the laboratory …" Gợi ý: Ứng viên có thể đề cập ngắn gọn các môn học và tập trung nêu rõ về kiến thức chuyên môn hay kỹ năng học được từ quá trình nghiên cứu. Ngoài ra, như đã đề cập, ứng viên nên làm rõ hơn kết quả của quá trình nghiên cứu cũng như mong muốn phát triển bản thân từ kinh nghiệm nghiên cứu đấy. (iv) Một số lỗi khác có thể kể đến như: ● Kể tên các chương trình khác khi đang ứng tuyển cho chương trình của Erasmus Mundus. ● Viết tắt nhưng chưa đề cập từ trước: DSCELab, NIR… ● Nêu ý nhưng không có bằng chứng thuyết phục: "... with my passion for optics and photonics …" (ứng viên chỉ nêu kinh nghiệm nghiên cứu trong mảng optics chứ chưa đề cập đến mảng photonics) Tóm lại, đây là một bức thư ‘đủ’ tiêu chuẩn mà chương trình đề ra nhưng nó chưa phải là bức thư hay. Hội đồng có thể tìm thấy các thông tin về học thuật trong bài luận nhưng họ sẽ khó thấy được động lực của người viết do cấu trúc bài luận chưa hợp lí và cách viết chưa rõ ràng và liền mạch. Điểm mạnh của bài luận trên là đề cập được quá trình nghiên cứu, sự tương thích giữa kinh nghiệm của bản thân với chương trình học cũng như sự thích thú của người viết với chương trình. Đó là những điểm rất quan trọng với một chương trình nặng về học thuật như PSRS. VII. Tham khảo bộ câu hỏi và cách trả lời phỏng vấn A. Thực chiến các câu hỏi phỏng vấn và cách trả lời (nhóm Khoa học Tự Nhiên) Dưới đây là một số câu hỏi phỏng vấn mà ứng viên nhóm ngành Khoa học Tự Nhiên từng gặp: 1. Tại sao bạn chọn chương trình này? Có lẽ đây là câu hỏi được đặt ra ở mọi cuộc phỏng vấn. Với câu hỏi này, hội đồng muốn biết điều gì khiến chúng ta nghĩ chương trình của họ phù hợp với mình, chương trình này sẽ đem lại điều gì khác biệt so với các chương trình khác . Đây không phải là câu hỏi khó nhưng lại là một câu hỏi yêu cầu bạn phải hiểu rất rõ về bản thân và chuyên ngành đào tạo của chương trình mình nộp. Dưới đây là ví dụ về câu trả lời của một ứng viên khi trả lời phỏng vấn chương trình SuCat: ● Chương trình này phù hợp với lĩnh vực học tập và nghiên cứu của tôi ở bậc đại học. Tôi đã có N năm kinh nghiệm nghiên cứu về xúc tác dị thể ở bậc cử nhân và tôi muốn tiếp tục theo đuổi mảng này ở bậc thạc sĩ. ● Chương trình này phù hợp với dự định nghiên cứu và làm việc trong tương lai của tôi. Là người con sinh sống và học tập ở Hà Nội – nơi có chỉ số ô nhiễm không khí vượt mức báo động, tôi luôn muốn nghiên cứu và phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo để giảm bớt sự ô nhiễm do năng lượng hóa thạch gây ra. Chương trình Sucat của Erasmus là chương trình duy nhất đi sâu vào mảng xúc tác và ứng dụng của nó trong lĩnh vực năng lượng sạch, và nó phù hợp với dự định tương lai của tôi. Các bạn có thể cho thêm lý do về quốc gia, văn hóa hay con người vào trong câu trả lời, tuy vậy hãy nói ngắn gọn trong vòng 1-2 câu. Dù sao lý do quan trong nhất vẫn là các lý do liên quan đến học thuật. 2. Bạn có kế hoạch gì sau khi học xong chưa? Bạn sẽ về Việt Nam chứ? Nghe thì có vẻ đây là câu hỏi chỉ có một hướng trả lời nhưng thực tế, hội đồng sẽ không quá khắt khe nếu chúng ta chưa có kế hoạch làm việc cụ thể hay bạn không định về Việt Nam làm việc sau khi học xong. Nếu chưa có kế hoạch làm việc cụ thể (như là làm ở đâu, cơ quan nào, có định học lên tiến sĩ không…), bạn có thể nói: “Tôi đã suy nghĩ về việc làm trong môi trường doanh nghiệp chứ không tiếp tục theo đuổi con đường học thuật sau khi học xong. Nhưng nói thực lòng, tôi vẫn muốn đưa ra quyết định chính thức về tương lai trong quá trình học thạc sĩ. Hai năm không phải dài nhưng cũng không phải là thời gian quá ngắn để quyết định tương lai, và tôi tin rằng lựa chọn đưa ra sau khi học tập và trải nghiệm cuộc sống ở châu Âu sẽ càng đúng đắn và ít khiến bản thân mình hối hận hơn. Tương lai không phải là nhân tố cố định, vì vậy tôi không muốn đưa ra một câu trả lời bồng bột và qua loa để ứng phó hội đồng”. Bất cứ chương trình học thuật nào cũng hy vọng ứng viên đóng góp cho quê hương, đất nước sau khi học xong. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc ứng viên phải về Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ. Câu trả lời về hay không về đều được hội đồng chấp nhận, miễn là bạn biết bản thân sẽ đóng góp cho sự phát triển cho quốc gia như thế nào. Với câu hỏi này, ứng viên có thể trả lời như sau nếu chưa có dự định trở về Việt Nam: “Chắc các vị cũng biết, Việt Nam chưa phải là quốc gia có tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo cao, và sự đầu tư vào mảng này ở Việt Nam vẫn vô cùng hạn chế. Vì vậy, việc trở về Việt Nam khi chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này sẽ rất bất lợi cho tôi, và tôi sẽ chẳng thể đóng góp cho quốc gia nhiều như chương trình hi vọng khi nhận tôi vào học. So với một sinh viên non nớt mới tốt nghiệp, tôi tin rằng quốc gia sẽ càng muốn có một người dày dặn kinh nghiệm trở về làm việc cho đất nước, hoặc một chuyên gia tư vấn cho các dự án về năng lượng. Tôi cho rằng chúng ta luôn có thể đóng góp được cho quốc gia dù có trở về hay không, điều đó đâu bị giới hạn bởi địa lý”. 3. Nói qua về nghiên cứu ABC của bạn đi. Đây là câu hỏi chuyên ngành được đặt ra ở tất cả các chương trình phỏng vấn nên sẽ không có ví dụ cụ thể về cách trả lời cho câu hỏi này. Tuy vậy khi trả lời câu hỏi này, các bạn nên sắp xếp nội dung sao cho logic và dễ hiểu. Có thể nói theo thứ tự sau: ● ● ● ● ● Tên nghiên cứu Mục đích nghiên cứu Phương pháp nghiên cứu Kết quả của nghiên cứu Kết luận Câu hỏi phụ có thể có của phần này (câu hỏi phụ sẽ thay đổi tùy theo ngành học): ● Bạn dùng những thiết bị đo nào trong thí nghiệm? Kết quả đo của các thiết bị ấy cho biết điều gì? ● Lý do chọn nghiên cứu này ● Điểm mới của nghiên cứu này là gì? Bạn nghĩ nghiên cứu này có áp dụng được vào thực tế không? Nếu không thì tại sao? 4. Nếu được theo học chương trình, bạn dự định nghiên cứu về lĩnh vực nào? Đây là câu hỏi chuyên ngành, vì vậy, các bạn nên tìm hiểu kỹ về các chuyên ngành học và lĩnh vực nghiên cứu của chương trình. Thường các chương trình của Erasmus Mundus sẽ có ít nhất 2 lộ trình học với 2 mảng nghiên cứu khác nhau, vì vậy các bạn nên trả lời đúng chuyên ngành học (track) mình đã đề cập đến trong bài luận và đưa ra lý do mình chọn chuyên ngành học (track) đó. Với câu hỏi này, một ứng viên của chương trình Sucat đã trả lời: “Tôi muốn nghiên cứu về xúc tác dị thể. Như đã đề cập với hội đồng, tôi đã nghiên cứu về xúc tác dị thể trong n năm và tôi đánh giá cao khả năng ứng dụng rộng rãi của nó trong công nghiệp. Tuy nhiên, xúc tác dị thể có nhiều vấn đề liên quan đến tính chọn lọc và tính an toàn của nó với môi trường, vậy nên tôi muốn tiếp tục đi sâu hơn về lĩnh vực này để giải quyết một phần vấn đề của nó”. 5. Bạn có quan điểm như thế nào về làm việc nhóm? Khác với câu số 2, chúng ta không nên trả lời câu hỏi này theo kiểu nước đôi. Trên thực tế, khả năng làm việc nhóm được coi trọng không kém khả năng làm việc độc lập trong thời đại ngày nay, nhất là trong các ngành khoa học cơ bản. Vì thế chúng ta nên có câu trả lời tích cực cho vấn đề này. 6. Bạn có hay bị căng thẳng bởi áp lực không? Sau những lúc đó, bạn có thói quen hay sở thích nào để giảm bớt căng thẳng? Đây không phải là câu hỏi mang tính quyết định đến vòng phỏng vấn. Hội đồng chỉ tò mò về thói quen và cách xử lý áp lực của ứng viên để từ đó có cái nhìn cụ thể hơn về tính cách và con người. Vì thế, hãy trung thực trong câu hỏi này. Chương trình học thạc sĩ tương đối khó và nặng tính học thuật, vì vậy ứng viên sẽ khó mà theo được chương trình nếu họ không biết cách xử lý áp lực của bản thân. 7. Bạn nghĩ bạn muốn cải thiện điểm yếu nào ở bản thân sau khi học xong chương trình này? Đây cũng là một câu hỏi không mang tính quyết định, vì thế bạn hãy trả lời theo suy nghĩ của mình. Tuy vậy, các bạn nên chọn một điểm yếu có tính thuyết phục, từ đó khiến hội đồng tin rằng việc học tập ở nước ngoài có khả năng cao sẽ cải thiện được điểm yếu đó. Ví dụ, ứng viên có thể chọn ‘tư duy phản biện’ làm điểm yếu để trả lời câu hỏi: “Sự khác biệt giữa giáo dục chủ động của phương Tây và giáo dục bị động của Việt Nam gây ra sự khác nhau trong phương thức tư duy và phương pháp làm việc. Vì thế, tôi hi vọng mình có thể học được cách ‘nghi ngờ’ và ‘phản bác’ lại kiến thức được dạy một cách hợp lý, từ đó có thể làm ra những nghiên cứu có ích với sự phát triển khoa học và xã hội”. 8. Điều gì khiến bạn tự hào nhất tính đến hiện tại? Trong học tập hay trong cuộc sống đều được. Đây là câu hỏi đã được đặt ra trong vòng phỏng vấn của chương trình Sucat. Một ứng viên của chương trình chia sẻ: “Đây là câu trả lời tệ nhất (và cũng là câu hỏi khiến mình suy nghĩ nhiều nhất tính đến hiện tại), vì mình đã hiểu sai mục đích của câu hỏi và cũng vì sự căng thẳng khi phỏng vấn quá lâu. Sau khi nghĩ lại, mình nghĩ hội đồng muốn biết cách ứng viên thể hiện cái tâm của bản thân qua những gì họ làm trong quá khứ. Thành tựu khiến mình tự hào nên là thành tựu liên quan đến con người và xã hội. Với mình, thành tựu lớn nhất tính đến hiện tại đó là mình đã truyền cảm hứng ‘dám làm, dám mơ’ cho những đứa trẻ trong thị trấn nhỏ mà mình sinh sống. Trước mình, không mấy đứa trẻ mơ đến việc được đi học ở nước ngoài vì điều kiện gia cảnh và quan niệm sống trong lũy tre làng của những người xung quanh. Nhưng khi mình bước chân qua cái lũy tre để đặt chân đến thế giới xa hơn, đám trẻ đã bắt đầu biết không có ước mơ nào là viển vông cả. Có thể là tấm gương tốt cho thế hệ 10x trong xóm nhỏ noi theo chính là điều khiến mình tự hào nhất. Đương nhiên mình đã không trả lời được thế này trong buổi phỏng vấn, tuy vậy mình vẫn đưa nội dung này vào để các bạn hiểu được ‘thành tựu’ ám chỉ cái gì. Chúng ta không cần làm điều gì đó quá lớn để có thể có thành tựu, tạo dựng sự thay đổi tích cực dù nhỏ thôi đã là một thành tựu rồi”. B. Thực chiến các câu hỏi phỏng vấn và cách trả lời (nhóm Khoa học Xã Hội - Nhân Văn) Như đã nói ở trên, phần phỏng vấn có lẽ cũng là phần gây ra những sự ám ảnh nhất định cho các ứng viên, đặc biệt là lĩnh vực khoa học xã hội. Trong phần này, nhóm tác giả sẽ đưa ra một số câu hỏi thường gặp trong các buổi phỏng vấn ở lĩnh vực này, đồng thời đưa ra các giới thiệu, hướng dẫn, ví dụ cụ thể để trả lời sao cho trọn vẹn. Nhóm xin chân thành cảm ơn sự đóng góp câu hỏi từ các bạn đã thực hiện phỏng vấn các nhóm ngành khoa học xã hội, đặc biệt là các chương trình về Kinh tế. Một số câu hỏi kèm hướng dẫn trả lời 1. Tại sao bạn lại chọn chương trình của chúng tôi thay vì các chương trình Erasmus Mundus khác? (Chương trình Kinh tế của chúng tôi có điểm gì khác biệt so với các chương trình kinh tế khác trên thế giới để khiến bạn lựa chọn?) Đây là một câu hỏi khẳng định sự tìm hiểu của bạn về chương trình cũng như khám phá động lực “sâu thẳm nhất” giúp thúc đẩy bạn đăng ký theo học chương trình đã lựa chọn. Mỗi chương trình trong một nhóm ngành rộng sẽ tập trung vào một khía cạnh hẹp nào đó, ví dụ cùng thuộc vào phân nhóm ngành Khoa học Kinh tế (Economic Science), tuy nhiên chương trình GLODEP lại là chương trình duy nhất trong khuôn khổ Erasmus tập trung chuyên sâu vào mảng phát triển với hướng tiếp cận đa ngành như địa - chính trị, kinh tế, xã hội, lương thực, …Chương trình EPOG+ (Economic Policies for the Global Transition) lại là chương trình đào tạo theo hướng chính sách kinh tế với cách tiếp cận phi chính thống với những phân ngạch nhỏ khác nhau để học sinh lựa chọn như chính sách kinh tế vĩ mô và tài chính quốc tế, chính sách về phát triển bền vững, hay chính sách về đổi mới sáng tạo và phát triển. Tuy nhiên, QEM (The Models and Methods of Quantitative Economics) lại tập trung vào đào tạo chuyên sâu về mảng Toán và mô hình định lượng trong kinh tế, kinh doanh và tài chính. Để trả lời được câu hỏi này, ứng viên phải nắm chắc được sự khác biệt giữa các chương trình cùng nhóm, làm nổi bật được điểm khác biệt đó và quan trọng hơn cả là kết nối điểm khác biệt mang tính cơ bản đó với chính bản thân mình, mối quan tâm của mình, và sự phù hợp về nền tảng học thuật của mình với chương trình. Ngoài ra, có thể nhấn mạnh thêm một chút vào giá trị mà chương trình đó có thể mang lại cho chính bạn (về mặt công việc hoặc các dự án nghiên cứu sau này bạn thực hiện). Hướng tiếp cận tìm hiểu điểm khác biệt này cũng tương đối hiệu quả khi chúng ta so sánh chương trình của EM với các chương trình đào tạo của một trường riêng biệt. Ứng viên có thể dễ dàng biện luận được điểm nổi bật của các chương trình Erasmus chính là cho sinh viên nhiều sự lựa chọn cho hướng đi hẹp sau này của họ. Ví dụ, đối với các chương trình đào tạo Kinh tế học thuần túy, thông thường học sinh sẽ được chọn giữa 2 hướng (i) Tài chính (finance) hoặc (ii) Kinh tế học (economics), trong khi học sinh có thể lựa chọn trong 4 hướng học chuyên biệt khác nhau trong chương trình đào tạo kinh tế EGEI (Economics of Globalisation and European Integration). Ngoài ra, ứng viên cũng có thể lồng ghép thêm vào câu trả lời cả ý định lựa chọn hướng học của mình kèm thêm một chút lý giải được trình bày trong thư động lực để cho thấy hướng học tập và nghiên cứu cụ thể của bản thân mình. 2. Đâu là điều mà bạn thấy thử thách nhất của một chương trình nhiều mobility (sự di chuyển)? Có lẽ đây là câu hỏi mà hội đồng có thể thăm dò những yếu tố cân nhắc của học sinh khi tham gia một chương trình nhiều mobility trong khuôn khổ EM (Erasmus Mundus). Có lẽ câu trả lời “chưa ấm ổ đã phải rời đi” sẽ là một câu trả lời rõ ràng nhất cho câu hỏi này. Để câu trả lời thêm phần hoàn thiện, các ứng viên nên đưa thêm các yếu tố cá nhân của mình vào. Ví dụ, đối với một người mà hầu như sống bên cạnh gia đình và luôn luôn có sự trợ giúp sẵn, thử thách lớn đối với họ chính là thực hành bài học về sự tự lập. Nhiều sự di chuyển đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với nhiều thử thách liên quan đến chăm sóc bản thân và làm quen ở nhiều môi trường khác nhau. Mặc dù sinh viên luôn nhận được sự trợ giúp nhiệt tình từ phía chương trình về mặt giấy tờ nhưng sự chủ động, tự lập trong việc thực hiện các thủ tục, sắp xếp nhà ở và cuộc sống của riêng mình lại là một điều tối cần thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đây không khác gì chúng ta đang “kêu nghèo, kể khổ” phải không nhỉ? Hãy tiến thêm một bước nữa, và thể hiện vào câu trả lời của bạn sự quyết tâm, mong muốn đương đầu với những thử thách, và tự tin khẳng định rằng, tham gia vào một chương trình như vậy sẽ là một cơ hội tuyệt vời để ứng viên có thể rèn luyện, phát triển bản thân, cũng như tự đứng vững vàng trên đôi chân của mình. 3. Bạn có bất kì một kinh nghiệm “quốc tế hóa” nào chưa? Đây là câu hỏi hội đồng mong muốn tìm hiểu về trải nghiệm tiếp xúc và làm việc trong môi trường quốc tế của bạn. Hãy trả lời một cách thành thật về trải nghiệm của mình. Một mẹo nhỏ đó là hãy kể về kinh nghiệm “quốc tế hóa” mà bạn đã liệt kê trong CV hoặc bài luận trước đó nhằm tạo ra sự thống nhất trong toàn bộ quá trình ứng tuyển. Đối với câu hỏi này, ứng viên có thể kể về một trải nghiệm tham gia một dự án tình nguyện quốc tế, một diễn đàn quốc tế, hay là một chuyến đi học trao đổi nào đó mà bạn đã tham gia. Tuy nhiên, đừng đi sâu vào kể lể quá nhiều mà hãy chọn ra một hoạt động mà để lại trong bạn ấn tượng nhất và phân tích về nó. Hãy luôn luôn giải thích vì sao bạn lại chọn để nói về hoạt động đó, ví dụ vì thành tựu mà bạn đạt được sau khi tham gia, những bài học mà bạn có được, những ấn tượng về con người, sự liên kết của nó đến hướng đi học thuật hoặc là một phần trong lộ trình nghề nghiệp của bản thân. Nếu được, ứng viên hãy mô tả nó như một trải nghiệm “đổi đời” vì thông qua hoạt động đó, bạn đã được truyền cảm hứng để đi theo một hướng nghiên cứu, hay một hướng đi nào đó trong sự nghiệp. Luôn luôn ghi nhớ bước phân tích và chứng minh cho bất kỳ câu hỏi nào mà hội đồng tuyển sinh đưa ra. Còn nếu như với ứng viên chưa từng có kinh nghiệm quốc tế hóa nào, hãy thành thật thừa nhận và tin rằng nếu mình được lựa chọn cho chương trình, thì có lẽ đó là một cơ hội đầu đời để tôi thực sự được trải nghiệm một môi trường quốc tế. Và điều này cũng đem lại rất nhiều các lợi ích cho bản thân bạn về cả mặt học thuật và mặt trải nghiệm văn hóa. 4. Bạn có kế hoạch gì cho chủ đề luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của mình chưa? Có lẽ các bạn sẽ tự hỏi rằng liệu có quá sớm để trả lời câu hỏi này không? Tuy nhiên, đừng lo lắng, câu hỏi tập trung vào “kế hoạch, dự định” của bạn, chứ không mang thiên hướng lựa chọn ép buộc. Do trước đó bạn đã chứng minh được với hội đồng tuyển sinh về sự tương ứng, phù hợp giữa hướng đi học thuật mà bạn muốn theo đuổi và chương trình học bậc thạc sĩ, bạn có thể chọn chuẩn bị để nói về việc triển khai một số đề tài hay nghiên cứu về mối quan hệ mà bạn cảm thấy hứng thú, hoặc là một đề tài mà bạn nghĩ bạn sẽ theo đuổi sau khi tìm hiểu về khung chương trình cũng như được trang bị đầy đủ cả về mặt kiến thức lý luận và phương pháp nghiên cứu trong khóa học. Hãy làm rõ từ ý tưởng của đề tài, động lực thực hiện đề tài, đến phạm vi nghiên cứu mà bạn nghĩ mình sẽ thực hiện cũng như phương pháp nghiên cứu có thể sẽ áp dụng. Cố gắng thể hiện cho hội đồng thấy bạn có một cam kết học thuật sâu sắc đối với chương trình đã chọn thì đó là một điểm mạnh trong câu trả lời của bạn. Đặc biệt, đối với những ứng viên theo đuổi học bổng Erasmus Mundus, một học bổng tài năng (merit-based) (coi trọng về thành tích học thuật của ứng viên), các kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học trước đó có thể có tác dụng khá lớn để giúp bạn chuẩn bị cho câu hỏi này một cách đầy đủ và hiệu quả nhất. 5. Tại sao bạn lại là ứng cử viên mạnh cho chương trình của chúng tôi? Đây là một câu hỏi biện luận về điểm mạnh của ứng viên. Trên tinh thần đó, bạn hãy mô tả một điểm mạnh của bản thân, tuy nhiên đừng để nó đứng một mình mà hãy kết nối nó với chính hướng học thuật của chương trình bạn đang ứng tuyển. Ví dụ, bạn nói điểm mạnh của bạn về nghiên cứu khoa học và bạn chọn học chương trình liên quan đến kinh tế phát triển. Hãy cho họ thấy mối liên hệ giữa các dự án nghiên cứu mà bạn làm trước đây đều tập trung vào một khía cạnh phát triển nào đó, ví dụ như trách nhiệm trong xử lý môi trường của doanh nghiệp hay việc ứng dụng đổi mới khoa học công nghệ kỹ thuật trong sản xuất. Tiếp theo, bạn có thể nói thêm về các thành tích mà dự án đó đạt được ở 2 khía cạnh (i) bên trong và (ii) bên ngoài. Bên trong có thể là những lợi ích mà chính bạn có được khi tham gia dự án như cải thiện kỹ năng nghiên cứu định lượng, kiến thức về thống kê, hay là mối quan hệ, còn thành tích bên ngoài có thể là về tạp chí mà bạn đăng tải hay giải thưởng mà dự án đạt được trong một cuộc thi về nghiên cứu khoa học nào đó. Điểm mạnh đó cho thấy bạn là một người rất quan tâm tới các vấn đề phát triển đặc biệt thông qua lăng kính học thuật, và vì vậy, bạn chính là người thấy được những giá trị tốt nhất và sáng nhất của chương trình mà bạn chuẩn bị theo học cũng như nắm rất rõ tinh thần mà chương trình mang lại và cách áp dụng những kiến thức sẽ được học vào công việc sau này. 6. Hãy kể về một thất bại đáng nhớ của bạn Đây là câu hỏi chương trình muốn thấy được tiềm năng của bạn trong việc xử lý vấn đề. Bạn có thể kể về một thất bại nào đó trong việc học, trong công việc, hay trong quá trình nghiên cứu của bạn. Tuy nhiên, đừng dừng lại ở đó, hãy nói thêm về bài học mà bạn rút ra được từ thất bại, cũng như hướng khắc phục của bạn đối với vấn đề mà bạn đã gặp phải khi đó. Hãy biến thất bại đó để trở thành điểm mạnh của bản thân mình để chinh phục được những thành công sau này. Ví dụ, bạn có thể nói về thất bại trong một cuộc thi nào đó rất quan trọng đối với việc phát triển nghề nghiệp sau này. Tuy nhiên vì một tiêu chí nào đó không phù hợp nên bạn đã không thể nào vào vòng chung kết của cuộc thi. Từ đó bạn nhận ra rằng khi tham gia bất kỳ một cuộc thi hay vòng tuyển dụng nào, mình cũng cần tìm hiểu rất kỹ về tiêu chí mà cuộc thi đó hay vòng tuyển dụng đó đặt ra. Sau đó bạn đã rèn luyện và cải thiện kỹ năng cũng như hồ sơ của mình để tham gia thi lại hoặc dự thi một cuộc thi tương tự nào đó và giành giải cao. Luôn luôn cho hội đồng thấy được bạn là một con người không ngại khó khăn và luôn luôn tìm hiểu mọi thứ thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định, và việc đến với chương trình cũng không xuất phát từ sự ngẫu nhiên bột phát nào đó mà luôn luôn có một động lực mạnh mẽ ở phía sau. 7. Bạn mong đợi gì ở chương trình của chúng tôi? Đây là một câu hỏi khác cho thấy sự đầu tư tìm hiểu kỹ lưỡng của ứng viên đối với chương trình cũng như sự phù hợp trong kỹ năng, kiến thức, định hướng của bạn đối với chương trình đó. Cách trả lời cũng sẽ tương tự như đối với câu hỏi về động lực tham gia chương trình, tuy nhiên bạn cần đi sâu vào những điều cụ thể mà chương trình đó có thể mang lại. Ví dụ, bạn mong muốn đi theo hướng nghiên cứu về an ninh lương thực, và bạn thấy rằng chương trình có một môn học về chủ điểm đó, bạn sẽ mong đợi không những thu lượm được các kiến thức lý luận về chủ đề này mà còn cả những phương pháp nghiên cứu hay được sử dụng để tiếp cận các vấn đề về an ninh lương thực cũng như các phần mềm thống kê hỗ trợ triệt để việc nghiên cứu của bạn. Hãy cụ thể hóa trong câu trả lời để hội đồng thấy được bạn đến chương trình với những mục tiêu và định hướng cụ thể. C. Thực chiến các câu hỏi phỏng vấn và cách trả lời (nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ) Giới thiệu Đối với nhóm ngành KTCN, ứng viên thường được hỏi những câu hỏi mang tính chuyên môn cao. Tuy nhiên, vì mỗi ngành lại có một mảng kiến thức khác nhau, việc hướng dẫn trả lời những câu này không thể đáp ứng được mong muốn của các bạn ứng viên năm sau. Chính vì vậy, trong phần này mình chỉ đưa ra một số câu hỏi tương đối khái quát, có thể được hỏi ở bất cứ ngành nào. Đối với những câu hỏi nặng tính chuyên môn, ứng viên cần có kiến thức cụ thể để có thể thể hiện tốt trong phần phỏng vấn của mình. Phần 1. Các lưu ý khi trả lời câu hỏi cho phần phỏng vấn: ● Trả lời ngắn gọn, không lòng vòng (do thời gian phỏng vấn không có nhiều), thể hiện được tư duy của ứng viên. ● Đối với các câu hỏi thuộc chuyên môn cần đảm bảo tính chính xác cao. Trường hợp không chắc chắn có thể thừa nhận là chương trình học bậc Đại học không quá đi sâu, sau đó đưa ra câu trả lời chung nhất thể hiện bạn vẫn có kiến thức tổng quát. ● Các câu trả lời đưa ra cần thể hiện được mục tiêu của bản thân (gắn với cả mục tiêu ngắn và dài hạn), sự hiểu biết về chương trình. ● Khuyến khích đưa ra các ví dụ cụ thể để dẫn chứng cho câu trả lời. Phần 2. Một số câu hỏi cho phần phỏng vấn 1. Tại sao bạn lại chọn ứng tuyển chương trình? Lưu ý: Cần trả lời đủ các nhóm động lực: ● Chương trình học gắn với mục tiêu cá nhân: tương thích và phù hợp với không chỉ chuyên ngành ở bậc cử nhân cụ thể là …, mà còn có những môn học, kiến thức mới như là …, là công cụ để bạn có thể theo đuổi lĩnh vực trong tương lai, giải quyết vấn đề bạn đang gặp phải (vấn đề cá nhân, vấn đề xã hội). ● Những điểm hấp dẫn từ chương trình: chương trình có điểm gì nổi bật (ví dụ một lab có hướng nghiên cứu đặc thù), thu hút bản thân như nào? (thể hiện được sự hiểu biết của ứng viên với chương trình). ● Các chương trình EM đề cao trải nghiệm, nên đây là cơ hội tốt để phát triển bản thân cả về kiến thức chuyên môn và trải nghiệm thực tế. 2. Phần nào trong chương trình học bạn cảm thấy thú vị nhất? Lưu ý: Cần nêu được tất cả các phần trong chương trình học trước (yêu cầu ứng viên có sự tìm hiểu trước khi phỏng vấn). Trong đó, bạn hứng thú đặc biệt với phần A bởi vì: ● Chương trình học tập trung vào phần nào (liệt kê ngắn gọn), trong đó, mảng kiến thức X vô cùng thú vị bởi vì nó liên quan trực tiếp đến hướng nghiên cứu mà bạn đang quan tâm. ● Nêu một chút dự định: Trong học phần này, bạn dự định sẽ áp dụng kiến thức để triển khai dự án thực tế nào mà bạn đang nghiên cứu, tiếp nối để phát triển thêm… 3. Bạn đã chuẩn bị cho việc ứng tuyển như thế nào? Lưu ý: Cần thể hiện được sự chỉn chu, có tính toán và kế hoạch trong quá trình nộp đơn. Vì EM là chương trình tôi đã đặt mục tiêu chinh phục từ rất lâu nên tôi bắt đầu kế hoạch chuẩn bị trong thời gian x năm: ● Về kiến thức và kinh nghiệm: cố gắng đạt thành tích cao trong học tập - kết hợp tham gia làm việc để hiểu rõ về ngành, các đặc thù chuyên môn, chuẩn bị sẵn tâm thế, thi các chứng chỉ (có dịp để khoe khéo). ● Ngôn ngữ: ngoài thi chứng chỉ còn chăm chỉ luyện tập thông qua đọc các bài báo chuyên ngành phục vụ quá trình nghiên cứu. ● Sự ủng hộ từ phía gia đình, sếp (nếu bạn còn làm việc) thể hiện rằng mọi người thấy được quyết tâm và muốn bạn tiếp tục con đường học vấn. Kết luận: EM là kết quả của một quá trình dài, nghiêm túc và đầu tư. 4. Bạn sẽ làm gì trong trường hợp không được nhận học bổng? Lưu ý: Thể hiện được quyết tâm ứng tuyển chương trình ● Đầu tiên sẽ rất buồn vì EM và cụ thể chương trình này là ước mơ lớn, đã dành nhiều thời gian chuẩn bị. ● Tuy nhiên, tôi sẽ nghiêm túc xem xét lại hồ sơ của mình, tham khảo ý kiến của giáo sư, người hướng dẫn nhằm cải thiện thành tích, tiếp tục làm nghiên cứu, tham gia dự án về mảng A để bản thân trở nên phù hợp hơn với chương trình. ● Chắc chắn sẽ tiếp tục ứng tuyển vào năm tiếp theo với sự chuẩn bị chỉn chu hơn. Trường hợp bạn nhận được hỗ trợ bán phần hoặc chỉ có thư nhập học, bạn cũng có thể áp dụng chiến lược trả lời tương tự bên trên, đảm bảo câu trả lời có tính chặt chẽ, kết nối giữa nguyên nhân - kết quả - động lực bản thân. 5. Mục tiêu của bạn là gì? Lưu ý: Thể hiện được mục tiêu mạnh mẽ, gắn với những gì viết trong thư động lực. Ví dụ mình muốn tiếp tục học tiến sĩ (PhD): “Nếu may mắn được chọn cho chương trình học bổng EM, Cá nhân tôi mong muốn sẽ tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu ở bậc PhD theo hướng thiết bị thông minh trong y tế (cụ thể hóa). Về lâu dài, tôi muốn quay trở về Việt Nam, làm việc tại một cơ sở giáo dục để đào sâu hơn về ứng dụng điện tử vào việc hỗ trợ, giám sát sức khỏe con người (tiếp tục cụ thể vấn đề muốn giải quyết). Với tôi, mục tiêu lớn nhất không nằm ở việc chọn hướng đi nào, mà là có thể thỏa mãn được đam mê bằng việc áp dụng kiến thức giải quyết những vấn đề thực tế (động lực lớn).” 6. Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì? Lưu ý: Không nói suông, khi nêu ra điểm mạnh và điểm yếu cần có dẫn chứng cụ thể. Bạn có thể trả lời theo cấu trúc sau: Điểm mạnh/điểm yếu nói chung - Dẫn chứng - Tác động tích cực/tiêu cực - Giải pháp (không bắt buộc). Ví dụ: ● Điểm mạnh: - Sự kiên trì (có thể nói lại một chút về quá trình chuẩn bị - nhưng thật ngắn gọn) - Chăm chỉ và có trách nhiệm (điểm mạnh nói chung): Nếu được giao một công việc, tôi luôn cố gắng hoàn thành và hạn chế tối đa việc bao biện (dẫn chứng), vừa rèn dũa cho bản thân tác phong chuyên nghiệp, vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ chung của tập thể (tác động, ảnh hưởng tích cực). ● Điểm yếu: - Đôi khi hơi cầu toàn (điểm yếu nói chung) nên tôi cần nhiều thời gian chuẩn bị cũng như kiểm tra kỹ sau khi hoàn thành một tác vụ (dẫn chứng). Trường hợp công việc không như mong muốn tôi sẽ cảm thấy khá thất vọng (tác động tiêu cực). Cá nhân tôi cần cân bằng hơn để vừa làm việc hiệu quả vừa có thể giữ được tâm thế tốt (giải pháp). 7. Bạn có câu hỏi nào không? Lưu ý: Không hỏi những câu hỏi mà bạn có thể tìm kiếm ngay trên trang chủ của chương trình, ví dụ “Bao giờ chương trình sẽ có kết quả?”. Câu hỏi đưa ra cần thể hiện được sự hiểu biết của ứng viên đối với chương trình. Ví dụ: Như đã đề cập, tôi rất hứng thú với mảng thiết bị thông minh trong y tế. Trong quá trình tìm hiểu, tôi thấy có một vài nhóm nghiên cứu đang thực hiện phần này và cũng có những kết quả rất ấn tượng. Đặc biệt là nhóm của giáo sư X, đang làm về thiết bị Y. Trường hợp tôi muốn tham gia lab thì cần có yêu cầu cụ thể gì không ạ?